Trong một phút được bạn bè và đồng nghiệp thách đố, ông Cao đã thử sức hấp dẫn của người đàn ông đã có vợ với gái trẻ xem thế nào. Lần thử đó, ông lại lọt vào mắt xanh của người đẹp để rồi khi ông quay lại thì mọi thứ đã quá muộn.
Bí mật “phòng nhì” đến trong đám ma
Câu chuyện của ông Đỗ Văn Cao, quê ở một huyện ngoại thành Hà Nội, được chúng tôi ghi chép lại từ Trung tâm xét nghiệm ADN và công nghệ di truyền Hà Nội. Được biết, ông Cao là một kỹ sư ngành cầu đường. Cuộc đời của ông gắn chặt với những con đường, cây cầu trên khắp cả nước.
Vợ chồng ông có hai cậu con trai và một cô con gái. Vợ ông Cao là người phụ nữ đẹp, bà làm kế toán cho một cơ quan nhà nước. Cuộc sống gia đình ông chẳng phải là vương giả nhưng ở nơi ven đô, được như gia đình ông cũng là điều mơ ước của biết bao người.
Năm 2010, ông Cao bỗng dưng bị tai nạn và qua đời. Trong đám ma của ông, mọi bí mật về đời tư của người kỹ sư cầu đường mới được mọi người biết. Con trai ông Cao kể, bố anh bị tai nạn giao thông và qua đời trên đường từ Cao Bằng về nhà.
Ảnh minh họa. |
Xe tang lăn ra gần đường quốc lộ, người phụ nữ dẫn theo hai đứa trẻ vừa đi vừa khóc, theo đoàn đưa ông Cao về với đất mẹ. Nấm mộ đắp xong, mọi người ra về hết, chỉ có người phụ nữ lạ vẫn ở lại. Đến tối, khi mọi người vừa ăn xong bữa cơm, mẹ con người lạ vào nhà xin được thắp cho ông Cao nén hương.
Trong giây phút bỡ ngỡ của hàng xóm đến giúp gia đình, người đàn bà lầm lũi dâng nén nhang cho ông Cao rồi khóc lặng bên di ảnh của ông. Bà chẳng xin điều gì, chỉ xin nói chuyện với người vợ cả của ông. Người phụ nữ nói: "Chị, em thành thật xin lỗi chị. Em về đây để nhận lỗi với chị. Nhiều lần, em đã muốn đến xin chuộc tội với chị nhưng anh ấy không đồng ý.
Bây giờ, anh ấy đã mất rồi, em chỉ xin chị cho em được hương khói cho anh và xin được tạ tội với mẹ con chị". Bà Thuần - vợ ông Cao vừa đau lòng vì sự ra đi của chồng, giờ nỗi đau nhân đôi, khi bà biết mình bị phản bội bao năm nay. Nhưng bà cố giữ bình tĩnh đáp lại người phụ nữ kia: "Thôi nghĩa tử là nghĩa tận, cô cứ thắp hương cho anh ấy đi". Nói rồi, bà Thuần đi vào trong nhà.
Mọi người đều bàn tán về người đàn bà xa lạ và hai đứa trẻ. Nhìn di ảnh của cha mình, chúng chỉ trỏ gọi bố ơi, bố ơi, cũng đủ để mọi người hiểu đó chính là con của ông Cao. Cô con gái út của ông Cao như không muốn tin vào sự thật nên chỉ gào khóc trong tuyệt vọng khi biết cha đã phản bội cả gia đình mình. Nếu ông Cao không qua đời bất ngờ có lẽ cả gia đình vẫn không hề biết gì về “phòng nhì” của ông ở nơi khác.
Khác với mọi người, anh Đỗ Văn Hải - con trai cả của ông Cao, không nói gì bởi từ lâu, anh đã biết người kia chính là "phòng nhì" mà cha anh đã lập được hơn chục năm nay. “Tôi không đủ mạnh mẽ để tiếp nhận sự thật này, dù chính bản thân tôi đã nghe bố kể.
Dù biết là sự thật nhưng tôi không muốn tin rằng, đúng ngày đau buồn mẹ tôi lại phải nhận tin dữ này. Còn gì đau buồn hơn khi biết người đàn ông cả đời mình yêu thương đã phản bội mình bao nhiêu năm”, người con trai đau khổ nói.
Bi kịch từ phút ngẫu hứng của kỹ sư
Khi mọi việc đã trở lại bình thường, anh Hải mới bình tâm thuật lại câu chuyện mà cha đã kể cho anh nghe cách đây vài năm. Anh Hải cũng là kỹ sư cầu đường, cũng nay đây mai đó giống cha mình. Cùng là đàn ông, cùng ngành nghề nên anh hiểu đàn ông ai chẳng một vài lần trăng hoa, nhưng để xảy ra kết cục có con, có thêm vợ như cha anh thì thực sự đáng trách.
Câu chuyện bắt đầu từ lần chạm trán không mong muốn của hai người đàn ông trong gia đình. Cách đó vài năm, trong chuyến công tác lên Bắc Giang, anh Hải đến một thị trấn nghèo ở vùng đất giáp ranh tỉnh Quảng Ninh. Từ trong ô tô, anh nhìn thấy người đàn ông rất giống bố mình. Ông ta đang mua rau, mua trứng...
Để xác minh nên anh xuống xe nhìn cho rõ. Nào ngờ, đó đúng là cha anh thật, nhưng sao ông lại đi chợ ở đây? Thắc mắc, anh Hải bèn đi theo sau. Bố anh không hề hay biết, vẫn mải miết đi rồi dừng lại và bước vào một ngôi nhà cấp 4 ở cuối ngõ nhỏ phía sau trường mầm non. Ở trong đó, có hai đứa trẻ khoảng hơn 10 tuổi chạy ra gọi: "Bố ơi! Bố ơi!". Anh đứng như trời trồng.
Vừa bất ngờ, vừa giận cha, anh Hải gọi điện cho ông Cao ra một quán cà phê ở gần thị trấn để nói chuyện. Không chối bỏ, quanh co, ông Cao thừa nhận với anh Hải về gia đình thứ hai của mình và kể lại cho con trai nghe về "phòng nhì" của mình.
Ông Cao kể, vào những năm cuối thế kỷ trước, cơ quan ông thực hiện một dự án ở thị trấn này. Lúc đó, ở huyện đoàn có cô gái tên Phương. Cô gái xinh xắn mà lại rất dịu dàng. Trong các buổi tiếp khách của dự án, cô luôn tỏ ra chu đáo và nghiêm túc. Bao nhiêu kỹ sư, công nhân của dự án đều đắm chìm trong sắc đẹp hương quê của Phương.
Ông Cao cũng giống như bao người đàn ông khác, đôi lúc ông cũng ngước mắt nhìn trộm vẻ đẹp của cô gái. Những buổi tối nghe đám thanh niên trong dự án trêu chọc nhau tán Phương, ông chỉ cười: "Chúng nó chưa vợ con kệ chúng nó, mình có vợ con rồi ai để ý". Thế mà, cả dự án có đến gần 20 anh chưa vợ, nhưng không có anh chàng nào lọt vào “mắt xanh” của Phương.
Vào một ngày nọ, mấy bạn bè đồng nghiệp đẩy ông Cao ra ngoài bảo ông tán cô Phương xem khả năng của ông như thế nào. Sĩ diện đàn ông nổi lên, ông Cao cũng nghĩ rằng: "Chắc cô ấy chả để ý đến gã vừa già, vừa có vợ và ba con như mình". Chẳng ai ngờ, Phương lại si mê chàng kỹ sư cầu đường đến mê muội. Cô không đòi hỏi gì, chỉ cần được ông Cao cho một đứa con là đủ.
Không kìm chế bản thân, ông Cao cũng xiêu lòng. Dự án kết thúc, bạn bè đồng nghiệp chẳng ai nhớ về cô gái tên Phương, còn ông Cao và Phương có với nhau một đứa con gái. Ông không thể rũ bỏ trách nhiệm làm cha của mình với đứa trẻ nên vẫn đi lại với Phương. Thế rồi, họ sinh thêm một bé trai kháu khỉnh.
Từng ấy năm, ông sống trong suy nghĩ dằn vặt và tội lỗi với vợ con mình. Đã bao lần, Phương xin ông được về tạ tội với vợ ông ở Hà Nội nhưng ông không đủ can đảm vì ông sợ gia đình tan vỡ. Ông chia sẻ câu chuyện của mình với con trai mong nhận được sự cảm thông của Hải.
Cùng là đàn ông nên Hải hứa với cha giữ bí mật giúp. Mỗi lần đi công tác về thị trấn đó, Hải vẫn ghé qua thăm em mình. Khi ông Cao qua đời, Hải cũng là người báo tin cho dì Phương, để các em mình được đến tiễn biệt cha lần cuối.
Khi nghe câu chuyện cha mình kể, Hải không thể trách được người phụ nữ kia, cũng không trách cha sao nỡ phản bội mẹ, mà anh tự trách mẹ, trách chính anh em mình. Mẹ anh chưa bao giờ hiểu cha cần gì. Mỗi chuyến công tác, ông mang được con chim về thì mẹ anh lại không đồng ý vì sợ chim bậy bẩn.
Hay ông mua cây cảnh về nhà thì bà luôn miệng than vì tiếc tiền và chật chội. Bố anh thích ăn những món ăn đơn giản như canh cua, cà muối, còn mẹ anh sợ cua vì cho rằng tanh, nhiều sán và ăn cà hại cho sức khỏe. Trong khi, ở ngôi nhà kia, cha anh luôn cười thoải mái vì bữa cơm đơn sơ có canh, có cà mà ông thích. Sân chật lắm nhưng chậu cảnh, lồng chim treo khắp nơi. Chính mẹ anh đã đẩy bố anh lấn sâu hơn vào gia đình riêng của ông.
Bằng cảm nhận của mình, anh Hải tin bố cũng như tin hai đứa trẻ kia là em. Nhưng anh làm sao có thể khiến cả dòng họ, cả gia đình mình tin rằng hai đứa trẻ kia chính là con của bố anh. Để bố anh ra đi được thanh thản, không vướng mắc nợ trần, anh Hải đã tìm mọi cách thuyết phục dì Phương đồng ý để anh đưa hai đứa em của mình đi làm xét nghiệm ADN. Một tuần sau có kết quả xét nghiệm, dù biết cảm nhận đúng nhưng anh vẫn khóc vì đến nay hai đứa em của anh mới được nhận họ hàng, ruột thịt.
Mang kết quả về cho gia đình, anh Hải động viên mọi người hãy sống vì người quá cố, để người làm cha như ông Cao có thể yên giấc ngàn thu, không vướng nợ đời. Về phần bà Thuần, cũng phải khó khăn lắm, bà mới chấp nhận được sự thật phũ phàng này. Ba năm qua, bà Thuần và cô Phương vẫn đi lại với nhau.
Hai người phụ nữ có chung điểm là họ vô cùng yêu ông Cao, nên sẵn sàng tha thứ, bỏ qua lỗi lầm của nhau. Cứ đến đám giỗ ông Cao là mẹ con chị Phương lại khăn gói, mang theo những món quà quê, lên từ sớm. Mỗi khi dòng họ nhà ông Cao có việc, chị Phương cũng lo toan như những nàng dâu khác vậy.
Nhìn lại những ngày sóng gió đã qua sau đám ma của ông Cao, anh Hải thở phào: "Bí mật đã được giải tỏa nên tôi tin rằng bố tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm”.