Thịt thơm ngon, chất lượng cao
Các nhà khoa học Viện Sinh học nhiệt đới đã triển khai đề tài: "Nghiên cứu ứng dụng thụ tinh nhân tạo phục vụ nhân giống lợn (heo) rừng Tây Nguyên (Sus scrofa) và lai tạo lợn rừng thương phẩm". Lợn rừng gốc Tây Nguyên là loại lợn rừng có chất lượng thịt rất ngon và được ưa chuộng. Hiện nay, ở Tây Nguyên có một số hộ dân tự phát nuôi lợn rừng, nhưng giống lại nhập từ Thái Lan, Malaysia, không rõ nguồn gốc. Có một số là lợn đực nguồn gốc Tây Nguyên được lai với lợn nhà, nhưng do thiếu hiểu biết kỹ thuật nên tình hình lai tạo không có chủ đích, lợn lai đồng huyết cao, sức sống kém.
PGS.TS Hoàng Nghĩa Sơn, Viện Sinh học nhiệt đới cho biết, đánh giá quan hệ di truyền bước đầu cho thấy, lợn rừng Tây Nguyên có những điểm đa hình đặc trưng, phân biệt với lợn rừng các nước khác và có mối quan hệ di truyền gần gũi với lợn rừng châu Á. Nhưng lợn rừng Tây Nguyên hoàn toàn phân biệt với lợn rừng lai Thái Lan về mặt di truyền.
Đến nay, các nhà khoa học đã thu thập, thuần hóa trên 40 con lợn rừng Tây Nguyên thuần và bước đầu đã có được những đánh giá về đặc điểm sinh học của chúng. Trên cơ sở đó đưa ra cách thức nuôi dưỡng, chăm sóc hợp lý đối với lợn rừng Tây Nguyên thuần.
PGS.TS Hoàng Nghĩa Sơn cho hay, từ năm 2001 đến nay, việc lai tạo giữa lợn rừng với các loại lợn địa phương tại Việt Nam như lợn Sóc Tây Nguyên, lợn Vân Pa, lợn ỉ, lợn Móng Cái... trở nên phổ biến. Khác biệt giữa lợn lai lợn rừng và các giống khác thay đổi tùy theo giống lợn để lai với giống lợn rừng là giống gì, tỷ lệ máu giống lợn rừng trong con lai cao hay thấp. Ở những đàn lợn lai mà tỷ lệ gen lợn rừng cao, thì thế hệ con trông hệt như lợn rừng. Tuy nhiên, nếu mang thế hệ con đó mà phối với nhau thì đẻ ra một tỷ lệ lợn con (thế hệ cháu) có ngoại hình không phải lợn rừng, như lông sọc không đẹp, chân trắng, loang đen...
Loại lợn rừng này có chất lượng thịt cao, thơm ngon, có giá trị kinh tế. |
Thức ăn chính là sắn, ngô, khoai, chuối...
PGS.TS Hoàng Nghĩa Sơn cho biết, việc nuôi lợn rừng đòi hỏi sự cầu kỳ, nhiều thời gian. Do bản tính hoang dã, lúc đầu lợn rừng rất sợ người, nhưng lại dữ tợn khi người đến gần và có thể tấn công thẳng vào người nuôi. Ban đầu chúng chỉ ăn những thứ mà trong tự nhiên thường có như củ sắn, hạt ngô, khoai lang, chuối chín và một số loại rau củ quả khác. Dần dần sau một thời gian nuôi thuần hóa, chúng có thể sử dụng thức ăn tổng hợp khác. Tuy nhiên, đa phần chỉ ăn thức ăn có nguồn gốc tự nhiên, hoang dã.
Lúc đầu lợn rừng hoang dã cần được nuôi nhốt trong những ô chuồng nhỏ (khoảng 1m2/con) để tránh cho chúng chạy nhiều và thúc đầu vào tường hoặc lưới B40 xung quanh. Thời gian sau khi chúng đã quen với người nuôi thì có thể thả bán hoang dã ra các ô chuồng rộng hơn. Ngoài ra, khẩu phần ăn hằng ngày ngoài chuối chín, khoai lang củ, rau lang, củ mỳ... mỗi con có thể cho thêm 100 - 300g thức ăn tổng hợp.
Loại lợn rừng này khác hẳn với những loại lợn khác do chất lượng thịt rất cao, thơm ngon, có giá trị kinh tế. Hiện trên thị trường còn có cả lợn rừng Trung Quốc. Một số trang trại phía Bắc nhập loại này từ Trung Quốc qua các đường tiểu ngạch. Trên thân chúng có nhiều vết đen, một đặc điểm không có ở lợn rừng thuần, vậy nên đó là con lai.
Hiện nay, từ nguồn lợn rừng Tây Nguyên thuần, các nhà khoa học đã nhân giống tạo đàn lợn rừng thuần chủng và thực hiện các công thức lai tạo để tạo ra các thế hệ con lai có thể chọn làm giống và nuôi thương phẩm bằng cách cho nhảy trực tiếp. Định hướng của các nhà khoa học Viện Sinh học nhiệt đới là huấn luyện lợn rừng để lấy tinh, phục vụ việc ứng dụng thụ tinh nhân tạo trong nhân giống thuần và lai tạo lợn rừng thương phẩm.
Từ những kết quả bước đầu thu được, kỹ thuật thuần hóa, nhân giống lợn rừng Tây Nguyên thuần và lai tạo lợn rừng lai thương phẩm, các nhà khoa học sẽ ký kết chuyển giao công nghệ với trang trại chăn nuôi lợn rừng nhằm bảo tồn giống lợn rừng và góp phần phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên.