Binh pháp Tôn Tử “giết gà dọa khỉ” của Trung Quốc
(Kiến Thức) - Lãnh đạo Trung Quốc đang tiến hành một chiến lược kép sử dụng binh pháp Tôn Tử là "điệu hổ ly sơn" và "giết gà để dọa khỉ" trong cả đối nội lẫn đội ngoại của Bắc Kinh.
Chiến lược đầu tiên là cách tiếp cận nội bộ được thiết kế hạ bệ một vài nhà lãnh đạo trong nội bộ nhằm củng cố quyền lực. Chiến lược thứ hai là cách Trung Quốc tiếp cận bên ngoài, trong đó các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đi sâu vào các quyền lực mềm để giảm bớt vai trò hoặc ngăn chặn sự tham gia của một nước lớn hơn. Bằng cách theo đuổi các chiến lược kép “điệu hổ ly sơn " và " giết gà để dọa khỉ", lãnh đạo Trung Quốc rất có thể muốn làm giảm bớt những ảnh hưởng áp lực nội bộ và bên ngoài, đồng thời ổn định mọi tình hình.
Điệu hổ ly sơn
Trong binh pháp Tôn Tử, điệu hổ ly sơn là kế nhử hổ ra khỏi rừng để dễ dàng giết. Hai là đuổi hổ đi để dễ bắt giết những loại hồ ly vẫn dựa oai hổ mà hoành hành. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang sử dụng kế sách này để bắt bớt những “con hổ” ương ngạnh trong bộ máy quyền lực thông qua cuộc chiến chống tham nhũng được đánh giá là mạnh tay nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Kể từ khi lên nắm quyền tháng 11/2012, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã giương cao khẩu hiệu “chống tham nhũng”, hàng loạt quan chức ngã ngựa, trong đó số tài sản tham nhũng bị báo chí phanh phui thực sự khiến người dân nước này bàng hoàng. Ông Tập đã thúc giục cuộc chiến chống tham nhũng phải tóm gọn từ “hổ” - chỉ quan chức cấp cao trong những vụ tham nhũng lớn -đến “ruồi” - quan chức giữ chức vụ nhỏ. Điển hình nhất là vụ "con hổ" Bạc Hy Lai đã bị kết án tù chung thân vì tội nhận hối lộ, biển thủ công quỹ và lạm dụng chức quyền vào tháng 9 năm 2013.
|
Cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai trong phiên tòa xét xử tháng 9/2013 |
Mới đây, lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho phép điều tra cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang đã gây chấn động đời sống chính trị nước này. Đây là lần đầu tiên từ khi thành lập nước có một quan chức giữ chức vụ cao như vậy bị chính thức điều tra tham nhũng.
Không lâu sau khi chính thức điều tra ông Chu Vĩnh Khang, cơ quan điều tra của đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu điều tra hàng loạt cán bộ và lãnh đạo tập đoàn có liên hệ với ông Chu. Quan chức cao cấp đầu tiên “ngã ngựa” trong đợt này là Lý Xuân Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên - nhân vật đi lên trong thời gian ông Chu là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này từ năm 1999 đến 2002.
|
Cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang (bên trái) đang bị điều tra vì tội danh tham nhũng |
Cuối tháng 8 năm ngoái, bốn lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc bị cách chức để phục vụ điều tra cáo buộc “vi phạm kỷ luật” - cụm từ thường mang hàm ý tham nhũng. Vài ngày sau đó, cựu lãnh đạo Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Tưởng Khiết Mẫn bị cáo buộc công khai và bị điều tra tham nhũng trong thời gian ông này giám sát các tập đoàn nhà nước. Hai quan chức “ngã ngựa” gần đây nhất và đều dính líu ông Chu Vĩnh Khang là Thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh và Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân tỉnh Tứ Xuyên Lý Sùng Hy.
Cùng với cuộc chiến chống tham nhũng, việc thành lập hai cơ quan Ủy ban An ninh Quốc gia và Cơ quan Thúc đẩy Cải cách Toàn diện Trung ương cho thấy, Trung Quốc đã xong quá trình chuyển giao và đang bước vào quá trình củng cố quyền lực của ông Tập Cận Bình nói riêng và nhóm các nhà lãnh đạo mới nói chung trên nhiều lĩnh vực, giành quyền kiểm soát toàn cục cả về chính trị, kinh tế, quân sự lẫn ngoại giao.
Sát kê hách hầu (Giết gà dọa khỉ)
Đây được coi như là kế sách “đối ngoại” của Trung Quốc đối với các nước trong khu vực, đặc biệt hữu dụng trong các trường hợp căng thẳng do tranh chấp chủ quyền thời gian gần đây. Từ Nhật Bản đến Mỹ, EU đến hay Philippines, tất cả các đối tác thương mại đều từng gánh hậu quả khi chẳng may động chạm đến quyền lợi của Trung Quốc.
Trong năm 2013, tranh chấp chủ quyền tại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã dẫn tới làn sóng biểu tình chống Nhật ở nhiều thành phố của Trung Quốc. Không chỉ nhằm vào các cơ sở ngoại giao Nhật mà còn nhắm tới nhiều cửa hàng, đại lý, tập đoàn điện tử Panasonic, các hãng sản xuất xe hơi Toyota, Honda… Nhiều công ty lớn của Nhật Bản đã tạm thời đóng cửa.
Ông Andy Xie, cựu nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Morgan Stanley cho biết: “Đây là một đòn giáng mạnh nữa vào kinh tế thế giới. Trung Quốc có thể mất đi nguồn vốn FDI đáng kể, tuy nhiên, thiệt hại mà Nhật Bản phải gánh chịu sẽ nặng hơn nhiều khi ôtô đang là điểm sáng của kinh tế nước này”.
|
Người biểu tình Trung Quốc đang đập phá một chiếc xe ô tô Nhật tháng 4/2013 |
Các nhà sản xuất của Nhật cũng đã chịu tổn thất lớn. Cổ phiếu Nissan, nhà sản xuất ôtô lớn nhất nước này (tại thị trường Trung Quốc) mất 5,2% giá trị, thấp nhất kể từ tháng 5/2012. Honda cũng bị tụt 3% và Công ty Fast Retailing giảm 5,9%. Ước tính, các doanh nghiệp Nhật Bản thiệt hại 10 tỉ yên sau các vụ biểu tình ở Trung Quốc gây ra. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, còn Nhật Bản là thị trường lớn thứ ba của nước này. Vì thế, nếu quan hệ hai nước có tổn hại, thì đôi bên sẽ cùng chịu thiệt.
Giữa tháng Tư, một vụ đụng độ giữa tàu chiến của Philippines và một đội tàu giám sát của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough (Biển Đông) đã làm căng thẳng quan hệ hai nước. Chỉ vài tuần sau, Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu chuối từ Philippines, tuy nhiên sau đó cũng đã nhập khẩu trở lại. Tổng thiệt hại lệnh cấm này gây ra cho Philippines ước tính vào khoảng 33,6 triệu USD.
Những hành động kể trên được xem là chiêu “giết gà dọa khỉ” mà Trung Quốc thường xuyên áp dụng để “trừng phạt” bất cứ nước nào đụng chạm tới quyền lợi của họ.
Không chỉ áp dụng chiêu thức này trên lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc còn tích cực trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng, ngoại giao. Nhân những tranh chấp chủ quyền căng thẳng trong khu vực Đông Bắc Á cũng như trên biển Đông, các nhà lãnh đạo quân sự của nước này “mạnh miệng” cho rằng Trung Quốc đã sẵn sàng “phủ đầu” với bất kỳ quốc gia nào.
Đới Húc, Đại tá Không quân, chuyên gia trong lĩnh vực vũ khí quân sự cho rằng để giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Hoa Đông và Biển Đông, quân đội Trung Quốc chỉ cần tiến hành một cuộc chiến tranh chớp nhoáng, thần tốc giống như cuộc chiến biên giới Trung - Ấn năm 1962 sẽ “mang lại hòa bình lâu dài”. Theo viên Đại tá này, sẽ không có nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc với Mỹ chỉ vì những vấn đề lãnh thổ. Đới Húc nói thẳng ra rằng, kế giết gà dọa khỉ ở đây thì "gà" chính là Nhật Bản, Philippines... và khỉ không phải ai khác chính là Mỹ. Với giọng điệu diều hâu, Đới Húc lý luận rằng, chỉ cần tấn công một trong 3 nước này thì các bên còn lại sẽ "lập tức ngoan ngoãn".