Nhánh sông đen kịt, bốc mùi hôi đến nghẹt thở |
Người dân ngày đêm sống khổ sở
Ông Lê Văn Thời (61 tuổi), người dân thôn Ngô Khê cho biết: “Gia đình tôi sinh sống ở đây nhiều thế hệ, trước đây nước sông trong, có thể tắm và dùng sinh hoạt. Nhưng từ hơn 10 năm nay, khi xuất hiện nghề sản xuất giấy thì cũng là lúc con sông bị ô nhiễm”.
Theo ông Thời, lâu nay người dân ngày đêm phải sống khổ sở vì nhiều loại ô nhiễm chồng chất. Từ nguồn nước đến bầu không khí bị đầu độc bởi khói đen từ các nhà máy. Đáng ngại hơn, nguồn nước ngầm xuất hiện váng và có mùi tanh khó chịu.
Ông Lê Văn Thời, người dân thôn Ngô Khê (phường Phong Khê, TP Bắc Ninh) |
“Có những đợt cao điểm ô nhiễm, khói bụi nghi ngút bao trùm cả thôn, gia đình tôi phải bịt kín cửa, buông rèm để ăn cơm, nhưng cũng chỉ đỡ được phần nào” - ông Thời chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc lén lút đốt rác thải bừa bãi cũng khiến cho không khí trong vùng bị ô nhiễm, cả bãi rác khổng lồ nghi ngút, từng đám đen khói khét lẹt theo gió bao trùm cả thôn làng.
Đốt rác thải giữa ban ngày |
Một học sinh trường tiểu học Phong Khê chia sẻ: “Nhiều lúc đang trong giờ học, cả trường cháu phải bịt kín các cửa lại vì khói bụi bao trùm. Khi ấy cháu và các bạn đều có cảm giác khó thở, tức ngực không thể học nổi”.
200 nhà máy sản xuất giấy bao quanh phường
Trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch UBND phường Phong Khê Lê Văn Tấn cho biết, nguyên nhân vì phường là địa bàn cuối nguồn của sông Ngũ Huyện Khê nên nước thải từ nơi khác đổ về đều tụ đọng, gây ô nhiễm.
Một nhánh sông dài, nước chuyển sang màu đỏ thẫm |
“Không chỉ riêng phường này mà còn cả xã Phú Lâm, huyện Tiên Du; xã Văn Môn, huyện Yên Phong; xã Châu Khê, huyện Từ Sơn cùng xả thải ra dòng sông này với khối lượng lớn” - ông Tấn thông tin.
Phường Phong Khê có khoảng 200 nhà máy sản xuất giấy đang hoạt động thường xuyên, chủ yếu bắt nguồn từ làng nghề truyền thống. Khi chưa có công ty xử lý, nước thải được xả trực tiếp ra sông.
Bất chấp quy định, các doanh nghiệp vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường |
Ông Nguyễn Đức Biên, Phó chủ tịch phường cho biết, tháng 8/2016, tỉnh đã đưa vào hoạt động công ty TNHH MTV Thoát nước và xử lý môi trường với công suất 5.000m3/ngày, kinh phí gần 400 tỷ đồng.
Nước sông Ngũ Huyện Khê đen kịt, sủi bọt |
Thế nhưng, dù có công ty xử lý nhưng nhiều cơ sở sản xuất giấy vẫn xả trực tiếp ra môi trường, ông Biên lý giải, nhà máy xử lý nước thải đang sửa lại, điều chỉnh hệ thống thu gom.
“Hiện đang thí điểm nên chi phí xử lý nước thải là 7.000 đồng/m3. Khi vận hành chính thức thì mức giá này là 17.000/m3” - ông Biên thông tin thêm.
Từ người lớn đến trẻ nhỏ đang ngày đêm hứng chịu hậu quả do hoạt động của các DN |
Sẽ chấm dứt đốt rác
Liên quan đến việc cả trường tiểu học phải đóng kín cửa vì khói bụi, ông Biên xác nhận và cho biết, giai đoạn 2014-2015 khi các DN đốt rác thải lò hơi gây ô nhiễm là thời điểm căng thẳng nhất.
Hiện, sau nhiều lần xử lý quyết liệt, thậm chí đóng cửa các DN vi phạm, tình trạng trên được cải thiện rõ rệt.
Về vấn nạn đốt rác thải gây nhiều bức xúc với người dân, ông Biên cho biết, Sở TN&MT phối hợp với UBND phường đã cho nạo vét một phần bãi rác, thời gian tới sẽ nạo vét toàn bộ để chấm dứt tình trạng trên.
Một số hình ảnh chụp ngày 9/5:
Cả ngôi làng chìm trong khói bụi và ô nhiễm |
Cống thải lớn đổ ra sông Ngũ Huyện Khê ngang nhiên xả thải |
Bịt kín mặt khi đi qua khu vực tập kết rác thải |
Khói đen liên tục phả ra từ các nhà máy khiến nhiều người dân khó thở, tức ngực |
Dự án cải tạo sông Ngũ Huyện Khê đang được thi công để giảm thiểu ô nhiễm |
Hơn 200 nhà máy hoạt động, ồ ạt xả thải trực tiếp ra sông |
Chất thải tích tụ lâu ngày đóng váng thành từng mảng trên sông |
Sông Ngũ Huyện Khê giờ người dân gọi với tên "dòng sông chết". |