Viết những dòng này, con nhớ đến những thầy cô giáo cũ, những người mà bây giờ con vẫn gọi thầy, gọi cô, xưng con. Các thầy cô giờ đã già, có người đã về hưu, có người có lẽ đang lo sốt vó vì đề xuất bỏ biên chế.
Con nhớ những giờ văn học, cô không chỉ dạy chữ mà còn dạy cách làm người. Cô không chỉ dạy bài thơ mà truyền cho chúng con tình yêu vào văn chương, cuộc sống. Cô không chỉ giảng về nhân vật mà còn cho chúng con hiểu về phong cách sống, cách làm người.
Ánh mắt trẻ thơ luôn ngưỡng mộ thầy cô. (ảnh minh họa) |
Con nhớ những giờ toán, thầy tay không vẽ hình siêu đỉnh. Nhưng bài toán khó được giải cũng là lúc chúng con được hiểu thêm về tư duy logic. Ngay cả khi những kiến thức hàn lâm đó sau này rơi không còn gì, con vẫn nhớ cảm giác vượt qua chính mình để làm được một bài toán khó. Đó là lúc chúng con được rèn cách tìm lời giải.
Con nhớ những tấm bản đồ địa lý. Với một đứa mù phương hướng như con, con thấy việc cô giảng giảng về hướng đi của gió, về nguyên lý của mưa thật vô cùng “ảo diệu”. Ngày đó suy nghĩ trẻ con trong con đã nghĩ rằng kiến thức của cô cao siêu như thế mà chẳng thấy ai “triệu tập” cô đi làm lãnh đạo, ra quyết sách. Thế rồi con lại tự tìm câu trả lời cho mình: Cô mà làm lãnh đạo thì ai dạy địa lý cho chúng con?
Con nhớ những tiết học môn lịch sử. Cô đọc vanh vách các dữ kiện và lồng vào đó tinh thần dân tộc. Con nhớ bài giảng vật lý “ba sôi hai lạnh” hay bài vè để học thuộc các thành tố hoá học… Con nhớ, nhớ thật nhiều và con biết, các thầy cô đã vắt kiệt tâm sức trên bục giảng để cho chúng con một hành trang vững chãi vào đời.
Trên bục giảng, các thầy cô trách phạt chúng con vì chưa làm tròn bổn phận: “Chỉ có ăn với học thôi mà cũng không xong”. Hồi đó con nghĩ đó là câu mắng thật… thiếu quan tâm. Vì chúng con còn phải đấu tranh giữa xem ti vi và làm bài tập, phải giằng xé giữa vẩn vơ suy tư với học thuộc công thức, phải vật lộn đưa ra quyết định đi ngủ hay soạn bài.
Con thấy mình thật vất vả. Từ góc của con, con thấy làm giáo viên sao mà sướng, lúc nào cũng được sự nể trọng, được oai phong. Con không biết rằng, để đứng được trên bục giảng, các thầy cô đã trải qua những gì…
Là hàng chục năm không ngừng học hỏi, nghiên cứu.
Là hàng tháng trời lên đề cương, soạn giáo án.
Là hàng ngày thức khuya dậy sớm để “Sáng nào em đến lớp, đã thấy cô đến rồi”.
Là hàng giờ vượt qua những khó khăn, bức xúc của bản thân để “Đáp lời chào "cô ạ’", cô mỉm cười thật tươi”.
Là từng giây kiềm chế, uốn nắn, kiên nhẫn để rèn từng đứa trò nhỏ “nét chứ, nết người”.
Nhưng rồi, các thầy cô nhận lại những gì?
Giờ thì ngay những người đáng ra phải quan tâm đến thầy cô nhất - những vị đầu tàu của bộ GD&ĐT - đang khiến các thầy cô điêu đứng vì cải cách, đề xuất. Bỏ biên chế, rồi thầy cô của con sẽ ra sao?
Con hiểu, giáo viên, vì đặc thù công việc, vốn được biết đến là những người nhẫn nhịn, hiền lành, ít đấu tranh, nhận về mình phần thua thiệt. Ở đâu đó trong tính cách các nhà giáo, thầy cô vẫn giữ cho mình sự điềm tĩnh ánh màu cam chịu.
Nhưng con cũng biết rằng, các thầy cô sẽ không bao giờ thoả hiệp, vì các thầy cô vẫn luôn truyền dạy cho chúng con đứng về lẽ phải cùng với sự dũng cảm can trường.
Vì vậy, con vẫn luôn tin rằng các thầy cô sẽ có những phản hồi kịp thời cho lãnh đạo Bộ, để không bao giờ con phải nghĩ đến hình ảnh “con giun xéo lắm cũng quằn”.
Con thương thầy cô thật nhiều!
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)