Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/3 không có đề xuất tăng lương giáo viên và miễn học phí cấp THCS mà trước đó đã đưa ra.
GS Đào Trọng Thi (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội). Ảnh: Thanh Hùng. |
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, GS Đào Trọng Thi cho hay: “Cá nhân tôi thấy đó là một điều đáng tiếc vì 2 quy định đó nếu đưa vào Luật Giáo dục sẽ là một bước tiến rất lớn trong chính sách về giáo dục của Đảng và Nhà nước.
Tôi nghĩ một quan điểm như vậy nên được thể chế hóa trong luật để đảm bảo sự ổn định cũng như tính pháp lý cao để cho cả nước quyết tâm thực hiện. Giờ đây, lại không đưa vào bổ sung trong dự thảo Luật Giáo dục là điều đáng tiếc.
Theo ông Thi, giải thích của Bộ Nội vụ rằng hiện “nhà giáo được hưởng các chế độ phụ cấp lương đối với viên chức trên cùng địa bàn làm việc và được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức cao nhất đến 70% và phụ cấp thâm niên nghề- là sự ưu đãi đặc biệt của Nhà nước” là không hợp lý. Bởi mức cao nhất 70% là với một bộ phận nhỏ, chứ không phải phụ cấp đứng lớp của tất cả các giáo viên đều là như vậy.
“Đấy là chỉ đối với giáo viên cấp tiểu học, còn như cấp đại học thì phụ cấp chỉ bằng 25%- bằng cấp mà công chức nào cũng được hưởng chứ không cần đến ưu tiên. Như vậy bằng với chỗ thấp nhất, không thể nói đó là ưu tiên hơn được.
Đó không thể coi là “được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” trong hệ thống các đơn vị hành chính và sự nghiệp theo Nghị quyết của TƯ nêu. Dù trong Nghị quyết của Đảng trong suốt 20 năm nhắc đi nhắc lại rằng các cơ quan nhà nước tích cực thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng.
Như vậy giải thích của Bộ Nội vụ không thỏa đáng vì chưa tương xứng với tinh thần của Nghị quyết”, GS Đào Trọng Thi nói.
GS Thi cho hay, cần hiểu phụ cấp không phải là lương, không được ổn định như lương, không được tính để đóng bảo hiểm xã hội và không có giá trị khi người giáo viên khi về hưu. Thứ hai, phụ cấp giảng dạy có những điều kiện không phải giáo viên nào cũng được hưởng, bởi còn phải yêu cầu giảng dạy đủ thời gian quy định,…
“Phụ cấp chỉ mang tính chất giải quyết tạm thời chứ không phải là một chế độ chính sách ổn định như là lương và không thể so được với lương.
Tôi cho rằng không chỉ được hưởng mức lương cao nhất trong hệ thống thang bảng lương, mà còn cần phải có một thang bảng lương đặc thù dành riêng cho giáo viên. Bởi giáo viên là một nghề đặc thù, gắn với trình độ chuyên môn đào tạo và với một loại hình lao động.
Ví dụ như một viên chức bình thường chỉ cần trình độ đại học rồi sau đó tích lũy kinh nghiệm, được nâng cao về trình độ nghiệp vụ. Các ngành khác đến cả Bộ trưởng cũng có khuyến khích trên trình độ đại học đâu.
Nhưng giáo viên thì khác, với giảng viên đại học chẳng hạn, nếu chỉ tốt nghiệp đại học thì chưa ổn mà phải tiến sĩ, tối thiểu như ở ta cũng phải là thạc sĩ.
Nghề giáo là một nghề nghiệp gắn với trình độ đào tạo rất nhiều. Như vậy tôi nghĩ cần có thang bảng lương riêng, đặc thù, chứ không phải một thang bảng lương tương tự các ngành nghề khác.
Tôi nghĩ ngân sách nhà nước cũng là một lý do và tôi đoán có khi vướng mắc chủ yếu từ đó là lớn nhất. Nếu quy định này đưa vào luật và bắt buộc thực hiện, thì Bộ Tài chính phải tính toán làm sao để đủ nguồn lực. Đó có lẽ là cái khó khăn nhất và cũng dễ hiểu. Bởi lực lượng giáo viên rất đông đảo, nên bất kỳ một thay đổi dù rất nhỏ cũng đòi hỏi một sự chuẩn bị rất lớn về nguồn lực tài chính”.
Về việc bỏ đề xuất miễn học phí ở cấp học THCS, GS Đào Trọng Thị cho hay nếu thực hiện chính sách đó thì thực sự là một cuộc cách mạng nhưng khả năng về tài chính và thực hiện vào thời điểm nào cũng là điều phải cân nhắc kỹ.
“Tôi ủng hộ điều này nhưng không khẳng định là triển khai vào thời điểm này thì đủ tiềm lực tài chính để thực hiện và mang lại hiệu quả. Nhưng nếu chúng ta cố được thì đó là một điều rất tốt.
Sẽ rất khó để nói cắt bỏ thương vụ này để đầu tư thương vụ khác trong giáo dục. Quy định 20% ngân sách dành cho giáo dục, không thể cắt bỏ chỗ nào đó để cho thêm vào được. Nếu tăng được thì rất tốt nhưng phải nói thật nếu như vậy thì chiếc bánh ngân sách sẽ mất cân đối.
Nếu nói về khả năng cân đối về tài chính thì cũng cần phải suy nghĩ, có cơ sở khoa học thuyết phục chứ không nên theo cảm tính. Ở đây ta không đặt vấn đề là chúng ta đã có đủ khả năng và chúng ta phải thực hiện. Không ai nói như thế bởi nếu thế thì không ai đưa ra để bàn bạc làm gì nữa. Nhưng đã là bàn bạc thì phải có căn cứ, nhất là đây là bàn bạc để đưa ra một chính sách quan trọng của nhà nước”, GS Thi nói.