Học sinh lớp 12A15 trường THPT Nguyễn Thái Bình quận Tân Bình TPHCM đang đăng ký môn thi tốt nghiệp năm 2015. |
Hạn cuối nhận hồ sơ đăng ký dự thi: 30/4
Quy chế của Kỳ thi THPT quốc gia quy định cụ thể về công tác chuẩn bị cho kỳ thi, đối tượng và điều kiện dự thi, tổ chức đăng ký dự thi, trách nhiệm của thí sinh, công tác đề thi, tổ chức coi thi, tổ chức chấm thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT...
Còn Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy quy định về việc tổ chức tuyển sinh, điều kiện tham gia tuyển sinh của thí sinh, chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, nhiệm vụ và quyền hạn của trường trong công tác tuyển sinh…
Bộ GD-ĐT quy định hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi sẽ kết thúc trước ngày 30/4 hàng năm.
Với các trường ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi, căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường, đảm bảo điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.
Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số thí sinh được tuyển thẳng (kể cả số học sinh dự bị của trường và học sinh các trường dự bị ĐH được phân về trường), hội đồng tuyển sinh xem xét, quyết định phương án điểm trúng tuyển.
Nhà trường có trách nhiệm cập nhật dữ liệu đăng ký xét tuyển vào trường lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia, ba ngày một lần công bố trên trang thông tin điện tử của trường danh sách các thí sinh ĐKXT xếp theo kết quả thi từ cao xuống thấp.
Học sinh lớp 12 và học sinh đã tốt nghiệp THPT năm trước thi khác nhau thế nào?
Trao đổi với báo chí, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết kỳ thi THPT quốc gia sẽ có ba đối tượng thí sinh tham gia dự thi:
1) Thí sinh sử dụng kết quả thi để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ.
2) Thí sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT chỉ sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ.
3) Thí sinh chỉ sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp THPT.
Thí sinh thuộc đối tượng thứ nhất và thứ hai sẽ dự thi ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì. Các cụm thi này phục vụ cho thí sinh ít nhất hai tỉnh.
Thí sinh thuộc đối tượng thứ ba sẽ thi tại trường THPT đang học hay cụm các trường THPT do sở GD-ĐT chủ trì với sự tham gia của các trường ĐH.
Những địa phương rất đặc thù ở những vùng đặc biệt khó khăn, Bộ GD-ĐT đã và sẽ làm việc với các Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Tây Bắc và Tây Nguyên cùng với các địa phương trong vùng để bàn bạc thống nhất việc bố trí cụm thi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh.
Tại Kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT tổ chức thi tám môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.
Như vậy, với nhóm thí sinh thứ ba chỉ sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp THPT sẽ phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại.
Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được giám đốc sở GD-ĐT xem xét, quyết định cho phép thí sinh chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.
Với nhóm đối tượng thứ hai, để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ các năm trước chỉ cần đăng ký dự thi các môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng.
Riêng với đối tượng thứ nhất, để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh ngoài dự thi bốn môn để xét tốt nghiệp THPT như nhóm đối tượng thứ ba, sẽ phải đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh do trường ĐH, CĐ quy định.
Trong quy chế, Bộ GD-ĐT chưa quy định cụ thể ngày thi, lịch thi, hình thức thi và thời gian làm bài thi. Lịch thi, hình thức thi, thời gian làm bài thi của mỗi môn thi được quy định trong hướng dẫn tổ chức thi hằng năm của Bộ GD-ĐT.
Khối thi nào cũng phải có môn Toán hoặc Ngữ văn
Đây là quy định đặt ra trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy 2015.
Theo đó, bộ GD-ĐT cho phép các trường có thể bổ sung thêm các tổ hợp môn thi mới để xét tuyển, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai môn Toán và Ngữ văn để xét tuyển.
Các môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của chuyên ngành đào tạo, không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành.
Các trường, ngành năng khiếu có thể sử dụng kết quả thi của ít nhất một môn văn hoá kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu để xét tuyển. Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.
Theo thứ trưởng Ga, trong đợt xét tuyển nguyện vọng I, thí sinh chỉ được dùng giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng I để đăng kí xét tuyển vào tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của cùng một trường.
Nếu không trúng tuyển nguyện vọng I, thí sinh có quyền dùng ba giấy chứng nhận kết quả thi còn lại để đăng kí xét tuyển các nguyện vọng bổ sung. Mỗi giấy chứng nhận kết quả thi này có thể đăng kí xét tuyển vào tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường.