Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, nếu chúng ta giữ học phí ở mức thấp, thì sẽ vừa suy giảm chất lượng đào tạo, vừa không có điều kiện để hỗ trợ các sinh viên nghèo.
Mai Loan
Hàng loạt các trường tăng học phí
Năm nay, Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) dự kiến học phí là 42 triệu đồng một năm, cao hơn mức thu năm 2021 khoảng 0,7-1,3 triệu đồng, tương đương tăng 20-37%.
Theo thông báo từ ĐH Luật Hà Nội, năm học 2022-2023, đối với chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH, học phí là 2 triệu đồng/tháng. Năm 2021 -2022, học phí chương trình này 980.000 đồng. Học phí chương trình đào tạo chất lượng cao là 5 triệu đồng/tháng (năm học 2021-2022 là 3.025.000 đồng). Như vậy, có thể thấy, học phí ở các chương trình đều tăng khá cao.
Học sinh trong ngày hội tuyển sinh. Ảnh: Mai Loan.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tính học phí theo tín chỉ. Năm 2022-2023, học phí hệ đại trà dự kiến 440.000 đồng/tín chỉ, hệ chất lượng cao là 1,32 triệu đồng/tín chỉ. So với năm 2021, học phí cho cho hệ đại trà là 276.000 đồng (tăng gần 60%) và 771.000 đồng hệ chất lượng cao (tăng hơn 70%).
Đặc biệt, học phí khối ngành y dược tăng mạnh nhất. Trong đó, học phí Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ tăng từ 12 - 13 triệu đồng/năm tùy ngành.
Việc học phí tăng đã có tác động rất lớn đối với người học trước thềm năm học mới, đặc biệt đối với những gia đình khó khăn. Nhiều thí sinh đã không dám chọn những ngành, trường có mức học phí cao so với khả năng chi trả của gia đình.
Không tăng đầu tư sẽ khó cạnh tranh thế giới
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, hiện nay, tổng chi cho một sinh viên vào đại học của chúng ta còn rất thấp so với các nước trên thế giới. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo, bắt buộc chúng ta phải tăng suất đầu tư, suất kinh phí trên một đầu sinh viên.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trả lời về học phí và tự chủ đại học. Ảnh: Mai Loan.
Điều đó nhằm phục vụ cho việc mở rộng tăng cường cơ sở vật chất để có thể thu hút, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên giỏi hơn, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.
Kinh phí cho đào tạo chủ yếu từ hai nguồn: ngân sách nhà nước và người học đóng góp. Phần còn lại có thể do doanh nghiệp tài trợ (tuy nhiên, ở Việt Nam tỷ lệ này còn nhỏ).
Theo ông Sơn, nếu không tăng thì sẽ không có khả năng cạnh tranh với quốc tế. Bởi thực tế, các chương trình đào tạo của các trường đại học trên thế giới, thậm chí ngay ở Việt Nam, mức học phí cao gấp hàng chục lần so với học phí các trường đại học Việt Nam.
“Vậy liệu chúng ta có cạnh tranh được không, nếu chỉ với chi phí như hiện nay? Như vậy, là phải tăng. Nhưng nếu Nhà nước tăng ngân sách chi cho giáo dục đại học thì sẽ một phần giảm gánh nặng cho người học, xã hội và để chúng ta đạt được các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cao cho đất nước”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, hiện nay, ngân sách nhà nước cấp cho lĩnh vực giáo dục đại học ở mức rất thấp, thấp nhiều lần so với mức trung bình các nước trong khu vực. Trong khi đó, kinh phí chi thường xuyên cho các trường đại học bị cắt giảm hằng năm theo lộ trình để các trường phải tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên, chi đầu tư.
Điều đó càng gây khó khăn cho các trường, đặc biệt trong việc phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao trong việc thúc đẩy nghiên cứu để phục vụ cộng đồng.
Trong khi đó, nguồn kinh phí từ các trường phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu học phí, mà ít có được các nguồn khai thác khác từ hoạt động công nghệ hay dịch vụ.
Đây là một trong những vướng mắc trong thực hiện tự chủ đại học. Ông Sơn cho rằng, Chính phủ phải có chỉ đạo để các bộ ngành phối hợp, đặc biệt với Bộ Tài chính để làm sao có lộ trình từng bước nâng cao tỷ lệ chi ngân sách cho GDĐH.
“Hiện nay, tỷ lệ này tính trên GDP, chỉ là 0,25-0,27%. So với các nước từ 0,6-1% là rất thấp. Chưa nói đến tổng thu nhập quốc dân còn thấp so với các nước trong khu vực. Chúng tôi đề xuất phải có lộ trình tăng trong một vài năm tới phải bằng mức trung bình trong khu vực.
Và thứ hai, cần phải đổi mới cơ chế phân bổ, thực hiện đúng tinh thần các nghị quyết của Đảng, cũng như Luật GD ĐH 2018 – 34. Chúng ta đổi mới cơ chế phân bổ tài chính, phân bổ ngân sách nhà nước chứ không phải cắt giảm ngân sách.
Và khi đổi mới cơ chế tài chính, thì việc đầu tư phải vào những nơi nào hiệu quả nhất, đầu tư, phân bổ theo cơ chế cạnh tranh, theo năng lực và theo kết quả hoạt động”, ông Sơn cho hay.
Tăng học phí không có nghĩa là giảm công bằng xã hội
Theo thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, người học và gia đình, xã hội cũng cần phải nhận thức được rằng, chúng ta đầu tư cho giáo dục đại học là để được hưởng lợi sau này. Theo tính toán của các chuyên gia thì đầu tư cho giáo dục đại học của người dân ở Việt Nam có tỷ lệ thu hồi lợi ích ở mức cao so với thế giới. Cho nên, người học cần phải đặt ra bài toán là phải đầu tư cho tương lai.
Bên cạnh đó, chúng ta cần lưu ý, việc tăng học phí không có nghĩa là giảm công bằng xã hội. Mà cần phải nhìn ở quan điểm ngược lại, các trường muốn có chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo từ những gia đình khó khăn thì cần phải có kinh phí để hỗ trợ. Mà muốn có kinh phí để hỗ trợ không có cách nào khác là phải tăng học phí.
Và khi học phí ở mức cao, thì chúng ta mới có điều kiện để hỗ trợ cho những gia đình nghèo, gia đình khó khăn. Còn nếu giữ học phí ở mức thấp, thì vừa suy giảm chất lượng đào tạo, và thứ hai, các trường sẽ không có điều kiện để hỗ trợ các sinh viên nghèo. Đây là một quan niệm cần phải thay đổi.
“Chúng ta nhấn mạnh rằng, đầu tư cho giáo dục đại học là đầu tư cho tương lai, Nhà nước, gia đình và xã hội cùng phải đầu tư vào để có lợi ích chung và lợi ích riêng hài hòa. Và cũng để tăng công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục đại học cho mọi người dân”, ông Sơn cho hay.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ người học. Thứ nhất là hỗ trợ đặc biệt thông qua cơ chế tín dụng. Vừa rồi, Chính phủ đồng ý với Bộ Tài chính nâng mức tín dụng này cho sinh viên. Tuy nhiên, phạm vi đối tượng chưa được mở rộng đáng kể.
“Chúng tôi cho rằng, một chính sách rất quan trọng là phải mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng và nâng cao mức tín dụng để sinh viên đi học không cần phải lo lắng về việc mình có điều kiện học không, đó chính là công bằng xã hội”, ông Sơn nói.
Mời quý độc giả theo dõi video Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nói về tăng học phí và tự chủ đại học.
Bộ GD&ĐT đề xuất tăng học phí đại học, phổ thông, mầm non
(Kiến Thức) - Bộ GD&ĐT đề xuất tăng học phí mầm non, phổ thông 7,5%/năm, học phí bậc đại học tăng 12,5% từ năm học 2021-2022.
Đề xuất trên được Bộ GD&ĐT đưa ra trong dự thảo nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Bộ GD đề xuất tăng học phí: Điểm mức học phí các trường hiện nay
(Kiến Thức) - Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, từ năm học 2021-2022, học phí bậc đại học tăng 12,5%. Học phí bậc mầm non, phổ thông tăng 7,5% so với năm học 2020-2021. Vậy, học phí các trường hiện nay như thế nào?
Đề xuất tăng học phí được đưa ra trong dự thảo lần thứ 2 Nghị định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Bộ GD&ĐT xin giữ nguyên mức học phí ở các cấp năm học 2021-2022
(Kiến Thức) - Trước phản ánh của dư luận khi Bộ GD&ĐT xin ý kiến về dự thảo nghị định, mới đây, Bộ này đã có văn bản báo cáo Chính phủ và đề xuất xem xét, cho phép được gia hạn thời gian áp dụng Nghị định số 86 đối với năm học 2021-2022.
Trong dự thảo Nghị định Cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo thay thế Nghị định 86, Bộ GD&ĐT đề xuất tăng học phí tất cả cấp học từ năm học 2021-2022. Theo đó, học phí bậc đại học tăng 12,5%. Học phí bậc mầm non, phổ thông tăng 7,5%.
Tuy nhiên, ngay khi có thông tin đề xuất tăng học phí đã vấp phải sự phản ứng của dư luận.