Bộ phận cơ thể đứt lìa được nối lại bằng cách nào?
Yếu tố chiếm đến 70% khả năng thành công của ca nối bộ phận cơ thể đứt lìa chính là chuẩn bị phần nhận nối và phần nối.
Là một người có kinh nghiệm nhiều năm trong chuyên ngành phẫu thuật tạo hình, Đại tá, TS.BS Nguyễn Huy Thọ, nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Phó chủ tịch Hội Phẫu thật Tạo hình và Thẩm mỹ Hà Nội, cho biết đứt rời bộ phận cơ thể là tổn thương nặng nề về mặt chức năng, thẩm mỹ và tâm lý.
Nguyên nhân dẫn đến việc đứt rời các bộ phận cơ thể như tai nạn, sự cố, thậm chí đâm chém, đánh nhau, hoặc là kết quả của cơn ngáo đá,…
Trước đây, việc nối liền những phần đứt rời rất khó khăn. Ngày nay người ta có thể ghép bàn tay, ngón tay, dương vật, da đầu đứt rời với tỷ lệ thành công cao. Với sự tiến bộ của y học, bất kỳ phần cơ thể nào đứt rời do tai nạn đều có thể nối lại nếu có mạch máu và bảo quản đúng cách.
Về nguyên tắc, các bộ phận này càng được khâu sớm tỷ lệ sống sẽ càng cao. Tuy nhiên khi gặp sự cố, không phải bệnh nhân nào cũng gần bệnh viện, lúc này, công tác bảo quản bộ phận đứt lìa rất quan trọng.
Nếu bảo quản đúng kỹ thuật trong 6 tiếng đầu tiên, tỷ lệ sống tốt nhất. Từ 6-24 tiếng, tỷ lệ sống sẽ giảm đi theo thời gian. Ngoài ra, chúng ta còn cần phải đưa nạn nhân đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất.
Quy trình khâu nối diễn ra như thế nào?
Tiến sĩ Thọ chia sẻ tùy từng bộ phận đứt lìa sẽ có quy trình riêng nhưng trên lý thuyết sẽ có ít nhất 2 kíp: chuẩn bị vùng nhận nối và xử lý bộ phận bị đứt rời.
Xử lý vùng nhận nối trên cơ thể tương đối dễ, bác sĩ chỉ cần mở băng để tìm động mạch, tĩnh mạch (vì máu sẽ phun ra). Tuy nhiên, phần bị đứt lìa đã hết máu, không còn chỉ dẫn để phân biệt giữa động - tĩnh mạch hoặc các dây thần kinh gây khó khăn cho bác sĩ trong khi xử lý.
Sau khi tìm thấy các mạch, bác sĩ phải tẩy rửa phần chuẩn bị nối và đánh dấu các vị trí. Công đoạn này chiếm 70% tỷ lệ thành công của ca vi phẫu.
“Quá trình này luôn gặp khó khăn vì vết thương không phải lúc nào cũng “gọn gàng” như dao cắt mà thường bị giằng giật, dập nát rồi mới đứt”, tiến sĩ Thọ chia sẻ.
Ông cho biết thêm về nguyên tắc, các bác sĩ phải đảm bảo nối chuẩn các động, tĩnh mạch với nhau. Trong trường hợp xương dài khiến phần mềm chứa các mạch bị tụt, bác sĩ buộc phải cắt bớt sau đó mới tiến hành ghép. Do đó, sau các ca nối chi, xương sẽ ngắn hơn so với thời điểm chưa gặp sự cố.
“Các y bác sĩ phải có sức khỏe, kỹ năng và sự tập trung cao độ mới có thể thực hiện thành công ca mổ diễn ra từ 8-12h. Trong chuyên ngành phẫu thuật tạo hình và chấn thương chỉnh hình, bác sĩ vi phẫu là người vất vả nhất", tiến sĩ Thọ tâm sự.
Nguy cơ biến bộ phận đứt rời thành phế phẩm
“Việc ghép nối các bộ phận đứt rời thành công, phụ thuộc rất lớn vào việc người nhà bệnh nhân có bảo quản đúng kỹ thuật hay không. Tuy nhiên, theo thống kê của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, những trường hợp được bảo quản tốt chiếm tỷ lệ 60-70%”, tiến sĩ Nguyễn Huy Thọ cho hay.
Nhiều người đem đến bệnh viện các bộ phận bị đứt lìa được gói trong quần áo, gạc,… hoặc ướp trực tiếp trong đá lạnh. Đây là cách bảo quản sai lầm, gây khó khăn cho bác sĩ khi tiến hành ghép nối.
Ông khuyến cáo, không tẩy rửa hoặc tác động vào các bộ phận này. Khi xảy ra sự cố, người dân nên tìm đủ các mảnh đứt rời của cơ thể, đặt vào túi nilon và bảo quản trong đá lạnh. Đây là điều duy nhất nên làm trước khi đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.