Đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội). Ảnh: QH. |
Dự thảo Luật đã dành Chương IV quy định về Lưu trữ điện tử. Tuy nhiên, quy định của dự thảo Luật về nội dung này chủ yếu tập trung điều chỉnh việc số hóa tài liệu lưu trữ, chuyển tài liệu lưu trữ số sang tài liệu lưu trữ giấy… mà chưa chú trọng tới các quy định về nghiệp vụ lưu trữ điện tử.
Do đó, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát nội dung dự thảo nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số hoạt động lưu trữ, đáp ứng yêu cầu xây dựng lưu trữ số. Trên cơ sở như vậy, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định cụ thể về nghiệp vụ lưu trữ điện tử trong Chương IV của dự thảo Luật.
Hướng tới Chính phủ số và công dân số
Giải trình, về vấn đề lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là nội dung mới được thiết kế thành một chương riêng nhằm mục đích hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chính quyền điện tử và xã hội số, công dân số.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: QH. |
Bà Trà khẳng định, trong quá trình xây dựng luật, Ban soạn thảo cố gắn đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành về công nghệ thông tin, về giao dịch điện tử, về an ninh mạng, về bảo vệ bí mật nhà nước đáp ứng được yêu cầu kết nối và chia sẻ dữ liệu, thông tin về tài liệu lưu trữ.
“Vấn đề nghiệp vụ lưu trữ điện tử và lưu trữ số và phải gắn với chuyển về số, Bộ sẽ tiếp thu để hoàn thiện thêm, trong đó quy định lộ trình đảm bảo nguồn lực bố trí các điều kiện để thực hiện nội dung này”, bà Trà cho hay.
Theo Bộ trưởng, tài liệu lưu trữ là tài liệu quý giá, là tài nguyên thông tin đa dạng, phong phú trong đó có nhiều tài liệu có giá trị quý hiếm của quốc gia và là di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Do vậy, việc sửa đổi luật bám sát các nguyên tắc sửa đổi căn bản, toàn diện trên tinh thần, chủ trương của Đảng đối với lĩnh vực lưu trữ, vừa kế thừa, vừa bổ sung, phát triển toàn diện về luật hiện hành, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và bảo đảm đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật hiện hành.
Bộ trưởng nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi nhất của lưu trữ đó chính là bảo quản và lưu trữ, phát huy vai trò và sứ mệnh giá trị của tài liệu lưu trữ. Đây là mục tiêu quan trọng và là sứ mệnh của tài liệu lưu trữ, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển văn hóa và con người Việt Nam và cũng để thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hóa về các lĩnh vực lịch sử.