Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà lý giải đề xuất thu phí rác thải theo khối lượng
(Kiến Thức) - Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được thiết kế theo hướng xử thật nghiêm hành vi vi phạm và người nào xả rác nhiều thì phải trả tiền nhiều hơn.
Liên quan đến đề xuất thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang thu hút sự quan tâm của dư luận, ngày 12/6, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đã trả lời báo chí xung quanh nội dung này.
Nói về quy định thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng khiến người dân băn khoăn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, nguyên tắc của việc thu phí tiền rác là "không đổ đồng, không đánh đều bình quân".
“Quan trọng nhất ở đây, là không thu phí thu gom, xử lý rác theo nguyên tắc đánh đều bình quân, ví dụ rác thu 10 - 20 nghìn/hộ mà tính trên lượng rác, đo bằng khối lượng, thể tích thải ra. Anh xả ra nhiều thì anh phải trả tiền nhiều hơn. Thông thường đo bằng khối lượng thì không thực tế nên chủ yếu người ta đo bằng thể tích. Chẳng hạn trên bao bì đựng rác người ta tính khoảng bao nhiêu m3 rác và việc tính theo thể tích phù hợp hơn” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
|
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội. |
Bộ trưởng TN&MT cho rằng, có nhiều cách thực hiện thu phí rác thải. Ví như nhiều nước họ tính tiền thu gom, xử lý rác qua việc bán bao bì đựng rác. Người dân sẽ thực hiện phân loại rác theo các loại bao bì đựng rác với màu sắc khác nhau. Mỗi bao bì sẽ có các thể tích khác nhau. Dựa vào lượng rác qua các bao bì này để thu tiền thu gom, xử lý rác.
Trả lời về việc thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng sẽ được thiết kế thế nào trong Luật Bảo vệ môi trường? Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc này không quy định cụ thể trong luật.
“Luật sẽ chỉ đưa ra nguyên tắc là không tính tiền xử lý rác đổ đồng mà trên cơ sở người nào xả rác ra nhiều phải trả nhiều hơn, tức là dựa trên lượng rác mà như tôi đã nói, thông thường các nước dựa vào thể tích túi bao bì.
Còn việc quy định màu nào, chia bao nhiêu loại túi, cách tính toán thế nào thì sẽ do văn bản dưới luật hướng dẫn. Chính phủ có thể cụ thể bằng các nghị định, thông tư hướng dẫn các địa phương quy định cụ thể phương án. Người dân chỉ phải trả tiền những gì mà doanh nghiệp phải đầu tư để thu gom xử lý” – ông Hà nói.
Nói về việc nhiều ý kiến băn khoăn khi người dân có thói quen vứt rác vừa bãi, vứt trộm rác thì phương án này có khả thi không, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng Hàn Quốc phải mất 10 năm để thực hiện được vấn đề này. Khi đưa ra chính sách như vậy phải xác định trách nhiệm từ khâu phân loại đến thu gom, xử lý rác.
“Khi đưa ra chính sách như vậy phải xác định trách nhiệm người dân phân loại, đến thu gom thế nào, tức phải có sự đồng bộ giải pháp từ người dân, cho đến khâu cuối cùng là xử lý. Quan trọng hơn nữa là người dân có nhận thức đầy đủ vấn đề này hay không, vì đây là việc người dân trực tiếp làm, trực tiếp giải quyết vấn đề bảo vệ sức khoẻ cho chính mình. Nếu người dân ủng hộ được và trực tiếp làm thì sẽ thành công” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.
Đồng thời ông Hà cho rằng, nhà nước đảm bảo các điều kiện để làm sao từ khi người dân phân loại có chính sách khuyến khích người dân tham gia vào quá trình này và người dân cũng được thụ hưởng qua việc phân loại đó. Nhà nước sẽ đầu tư ngay để đảm bảo tính đồng bộ từ quá trình vận chuyển, đến công nghệ xử lý khác nhau với các loại rác khác nhau.
Ông Hà cũng cho rằng, yếu tố quan trọng nữa là vai trò truyền thông của báo chí, làm sao tuyên truyền để bà con hiểu khi làm việc này chính là bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân mình.
“Có nhiều mô hình khác nhau nhưng làm sao hiệu quả tuyên truyền để bà con hiểu làm việc này phải đi vào thực chất. Xả rác ra phải có sự giám sát của người dân chứ không thể chỉ cơ quan nhà nước giám sát. Hiện ta có nhiều chế tài xử lý, nhưng quan trọng nhất là trách nhiệm giám sát và cách tổ chức cộng đồng” – ông Hà nói.
Trả lời về việc khi áp dụng chính sách trên, chi phí rác thải của người dân có tăng lên không?, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, chi phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay cũng có nhiều đối tượng khác nhau. Có người sẵn sàng chi trả nhưng có người khó khăn.
Do đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần chi phí trong việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, người dân chỉ chịu trách nhiệm một phần.
“Phần chi phí của Nhà nước sẽ được bổ sung để các nhà cung cấp dịch vụ thu gom, xử lý đảm bảo được lợi nhuận tối thiểu duy trì hoạt động sản xuất. Đó là những điều chúng ta phải làm và luật phải quy định điều đó. Có như vậy mới xã hội hóa được, nếu không chúng ta không xã hội hoá được” – Bộ trưởng Hà nói.
Ông Hà cũng cho rằng, có nhiều rác sinh hoạt không phải là rác, có thể tái chế được, ví dụ như giấy, là đồ nhựa…
Do đó, Luật lần này quy định nếu người dân gom lại, phân loại rác thì loại rác này người dân sẽ không phải trả tiền thu gom, xử lý. Người dân chỉ phải trả tiền những gì mà doanh nghiệp phải đầu tư để thu gom xử lý. Nếu thực hiện việc phân loại rác tốt, Nhà nước, nhà cung cấp dịch vụ sẽ tính toán giá thành có lợi cho người dân.
>>> Mời độc giả xem video Xả rác bao nhiêu, trả tiền bấy nhiêu