Tam thất rừng, tam thất núi, tam thất trồng với quy trình sạch... được quảng cáo là vị thuốc “thần dược” chữa được nhiều loại bệnh, bồi bổ sức khoẻ được bày bán nhan nhản ở các đền, chùa... nơi mà khách thập phương đi lễ lúc nào cũng đông nghịt. Theo các nhà khoa học, tam thất rất dễ làm giả, thậm chí người ta có thể cho chì vào mà bằng mắt thường không phát hiện được.
Vài triệu đồng/kg “củ xịn”
Đầu năm đi lễ chùa, bà Lê Thanh Hà (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) mua được 1kg tam thất với giá 3 triệu đồng. Theo người bán hàng ở Đền cộng đồng Bắc Lệ (Lạng Sơn), đây là tam thất bắc tìm trên núi rất quý hiếm, gia đình phải tìm kiếm trong suốt cả năm trên núi mới tìm được mấy kg đem đi bán. Nghe theo lời giới thiệu, bà Hà quyết định mua 1kg về để bồi bổ sức khoẻ. Tìm hiểu thì bà được biết tam thất vốn là một vị thuốc quý có tác dụng bổ huyết, giảm đau, tiêu ứ huyết, trị thiếu máu, sưng viêm, người mệt mỏi, nhức đầu, ít ngủ... Bà vốn có bệnh đau dạ dày, dùng tam thất mật ong rất tốt.
Tuy nhiên, khi đem gói tam thất này đến một vị chuyên gia về Đông y nhờ thẩm định trước khi đem xay thì bà được biết, lượng tam thất trong gói này chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại là các loại rễ, củ được sao vàng, gia giảm thêm màu khiến người tiêu dùng không phân biệt được. Nguy hiểm là vỏ những củ tam thất này có bột chì, khiến người mua khó phân biệt được. Tam thất đào được trên rừng là những loại củ cũng được gọi là tam thất nhưng chất lượng thì kém xa tam thất thật.
Lương y Lường Đức Phú, Hội Đông y Lạng Sơn cho biết, thực tế, những loại củ hao hao tam thất được đào về từ rừng có nhiều tên gọi mạo danh tam thất như thổ tam thất hay tam thất gừng... nhưng không có tác dụng chữa bệnh như tam thất thật. Tam thất quý nhất là tam thất bắc, loại này bây giờ khá hiếm trong tự nhiên. Người mua bột tam thất dễ bị lừa hơn so với mua củ. Tuy nhiên với loại củ đã được sao khô, tẩm ướp cẩn thận, người bán hàng cũng có những “chiêu” lừa người tiêu dùng hoặc pha trộn lẫn lộn tam thất để bán với giá cao.
Tam thất thật có vị ngọt đắng, mùi thơm nhẹ. |
Tam thất nhiễm chì cực độc
Theo Lương y Lường Đức Phú, dựa vào tâm lý người mua thích và tin tưởng đồ của người dân tộc miền núi bán thì hẳn phải là đồ lấy từ rừng, nhiều người lợi dụng điều này để trục lợi. Để làm cho tam thất giả giống như thật, người ta có rất nhiều cách.
Cách phổ biến và dễ làm nhất hiện nay là người ta dùng bột chì rắc vào những củ này khiến chúng có màu đen bóng như tam thất thật. Bột chì này khi đi vào cơ thể sẽ tàn phá các cơ quan nội tạng, thúc đẩy các tế bào lạ phát triển dẫn đến ung thư hay những bệnh nghiêm trọng khác. Kinh nghiệm chọn tam thất là khi sờ tay vào củ thấy có chất bóng, mịn màu đen dính vào tay thì tuyệt đối không mua. Không nên mua các gói bột tam thất đã xay sẵn mà không chắc chắn nguồn gốc.
Lương y Lường Đức Phú cho biết, để chọn tam thất thật, có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường. Củ tam thất thật đa số hình thoi hoặc hình con quay, dài 2 - 4cm, đường kính 1 - 2cm. Đầu củ sần sùi do những vết tích của thân cây rụng hằng năm tạo thành. Mặt ngoài màu nâu xám hoặc xám vàng, có nhiều nếp nhăn dọc theo thân củ. Thịt củ màu xám xanh, khi dùng dao cắt ngang sẽ thấy thớ củ rất mịn. Tam thất thật có vị ngọt đắng, mùi thơm nhẹ.
Theo các chuyên gia, nếu không may mua phải tam thất rắc bột chì, không nên tiếc tiền mà giữ lại dùng, sẽ vô cùng nguy hại. Kể cả khi rửa sạch lớp bột chì bên ngoài, vẫn không có gì chắc chắn tam thất đó không bị nhiễm độc. Với tam thất bị trộn lẫn nhiều loại khác nhau, có thể đem đến các hàng thuốc Đông y nhờ phân loại để dùng.
Theo lương y Lường Đức Phú, phân biệt các loại tam thất dựa vào đặc điểm chung của từng loại. Tam thất gừng có hình tròn thuôn một đầu hoặc hình trứng, vỏ nhẵn. Mặt ngoài màu trắng vàng, có nhiều vòng song song ngang củ. Thịt màu trắng ngà. Vị cay, nóng, mùi thơm như gừng. Còn thổ tam thất còn gọi là bạch truật nam sần sùi không đều. Mặt ngoài màu nâu vàng. Thịt màu vàng ngà, vị nhạt, chát, hơi ngứa, không mùi.