Báo cáo tài chính quý 4/2019 của CTCP BOT Cầu Thái Hà (UPCoM: BOT) ghi nhận doanh thu thuần chỉ gần 7 tỷ đồng, trong khi đó giá vốn hàng bán chiếm đến 21 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, BOT còn phải gánh gần 27 tỷ đồng chi phí tài chính mà chủ yếu là chi phí lãi vay. Từ đó, Công ty báo lỗ hơn 41 tỷ đồng. Dẫn đến luỹ kế cả năm, Công ty lỗ đến 170 tỷ đồng.
BOT Cầu Thái Hà lỗ nặng 170 tỷ đồng năm 2019, dư nợ ngàn tỷ tại VietinBank |
Trước đó, hoạt động kinh doanh của BOT trong năm 2017 và 2018 không ghi nhận doanh thu, lợi nhuận do từ khi thành lập (2014) đến nay, Công ty đang trong giai đoạn triển khai xây dựng dự án BOT Cầu Thái Hà nên tất cả chi phí liên quan được quyết toán vào tổng mức đầu tư của dự án.
Theo BOT Cầu Thái Hà, bắt đầu từ năm 2019, Công ty mới bắt đầu đi vào hoạt động thu phí và có doanh thu.
Tại ngày cuối năm 2019, BOT có tổng tài sản gần 1.403 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm 1.087 tỷ đồng.
Tổng dư nợ vay của Công ty chiếm gần 1.068 tỷ đồng, chủ yếu là vay dài hạn hơn 1.022 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), chi nhánh Hà Nam để đầu tư xây dựng dự án cầu Thái Hà vượt sông Hồng giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT.
Ngoài ra, BOT nhiều năm nay còn ghi nhận khoản nợ vay ngắn hạn từ Công ty mẹ là Công ty TNHH Tiến Đại Phát (nắm 59,48% vốn BOT).
Theo đó, trong tháng 8/2019, BOT đã thông qua phương án phát hành 8,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 5 cá nhân với giá chỉ 10.000 đồng/cp, trong khi giá cổ phiếu BOT trên sàn hiện tại thời điểm khi ấy lên đến 53.800 đồng/cp.
Mục đích đợt chào bán là bổ sung nguồn vốn để thanh toán các khoản nợ của Công ty, trong đó chi 84 trong tổng số 85 tỷ đồng dự kiến thu được từ đợt phát hành để trả cho công ty mẹ Tiến Đại Phát.
Danh sách các nhà đầu tư tham gia trong đợt phát hành riêng lẻn 8,5 triệu cổ phiếu của BOT gồm bà Lê Thùy Dương và Lê Anh Phúc đều gom 1,8 triệu cổ phiếu, ông Hà Như Khôi và Trần Long Hưng cùng mua 16,5 triệu cổ phiếu, còn lại bà Dương Thanh Hương là 1,6 triệu cổ phiếu.