Công nghệ camera ẩn dưới màn hình đã được một số hãng thử nghiệm nhưng chưa thành công. |
Chia sẻ trên trang facebook cá nhân cuả mình và trong cộng đồng Bfan, CEO Nguyễn Tử Quảng cho rằng việc cuối tuần qua ZTE ra mắt chiếc smartphone với camera ẩn dưới màn hình là một quyết định dũng cảm. Theo ông Quảng, để được ghi nhận là hãng đầu tiên thương mại sản phẩm dùng công nghệ camera ẩn, ZTE bắt buộc phải đánh đổi chất lượng camera trước.
Thực tế cách đây hơn một năm, vào tháng 6/2019 Oppo đã đem đến Hội nghị Mobile World tổ chức tại Thượng Hải thiết bị dùng công nghệ camera ẩn. Những người dự hội nghị đã được trải nghiệm thiết bị, rất ấn tượng nhưng chất lượng camera chỉ đạt mức dưới trung bình. “Có lẽ vì lý do đó đến nay Oppo vẫn chưa chính thức thương mại sản phẩm này” – ông Quảng nói.
Về phía mình, ông Quảng cho biết BKAV cũng đã được chào hàng loại màn hình có camera ẩn, tuy nhiên chúng tôi quyết định chưa thể sử dụng vì chất lượng camera được BKAV đặt lên hàng đầu, không thể đánh đổi.
Nhận xét về việc thử nghiệm camera ẩn dưới màn hình, cha đẻ của Bphone phân tích: “Không chỉ Oppo, Xiaomi và một số công ty khác cũng đã đưa ra thiết bị tương tự trong thời gian qua. Đặc biệt là Visionox, hãng sản xuất màn hình được coi là đơn vị cung cấp màn hình cho các hãng khác, cũng ra mắt một thiết bị nguyên mẫu, nhưng chất lượng camera trước cũng giảm đáng kể. Thực tế những hình ảnh chụp từ camera trước của thiết bị ZTE ra mắt tuần trước, cho thấy chất lượng ảnh vẫn không đạt mức trung bình, dù nhìn thoáng qua thì không tệ”.
Tấm phim mỏng được CEO Nguyễn Tử Quảng đề cập đến. |
Theo ông Quảng, bản thân màn hình OLED đã là một tấm phim mỏng có thể nhìn xuyên qua được. Trên tấm phim màn hình OLED có chứa các "bóng đèn" LED rất nhỏ với mật độ cao, mắt thường sẽ không nhìn thấy các bóng LED đó, nó như một lớp sơn trên bề mặt. Mật độ bóng đèn LED càng cao thì phân giải màn hình càng cao và mức độ nhìn xuyên qua càng thấp.
Để camera có thể chụp được hình ảnh qua lớp màn hình, ông Quảng cho rằng hãng sản xuất màn hình sẽ làm giảm mật độ bóng đèn LED tại khu vực có camera. Tuy nhiên nếu giảm hết bóng LED để camera được tốt nhất, thì khu vực đó sẽ không thể hiển thị hình ảnh nữa, màn hình trở thành loại nốt ruồi. Vậy là việc giảm bóng LED sẽ có giới hạn, cụ thể hiện nay các màn hình này cho phép 50% ánh sáng lọt qua.
Mức độ ánh sáng lọt qua bị giảm như vậy dẫn đến chất lượng hình ảnh thu được không đảm bảo độ nét. Chưa kể một số hiệu ứng ánh sáng khác cũng sẽ gặp phải, làm cho ảnh chụp không đúng với thực tế trong nhiều trường hợp.
Xoay quanh "camera ẩn dưới màn hình" là câu chuyện của làng công nghệ. Ai cũng muốn trở thành kẻ tiên phong, ai cũng muốn trở thành “đầu tiên trên thế giới”, dù ở đây thực chất là câu chuyện của hãng sản xuất màn hình và ta mua về là có.
Về phía mình, có cơ hội tôi cũng đưa ra những công nghệ hàng đầu, đầu tiên trên thế giới, hẳn nhiên là như vậy. Tuy nhiên, đó phải là những công nghệ được đầu tư chỉn chu, bài bản hướng tới người dùng như Camera AI, sMacro, Khoảnh khắc, thiết kế màn hình tràn đáy, là những công nghệ đầu tiên trên thế giới, đã được khẳng định tính hữu dụng, do người Việt Nam sáng tạo và các hãng khác học tập theo.