Vẫn còn 5 nhà băng chưa công bố báo cáo tài chính quý 4/2019, song đối với 19 ngân hàng đã công bố đều cho thấy bức tranh rất quan ngại từ Eximbank và KienLongBank. Tất nhiên, đó chỉ là những vệt sóng nhỏ trong bức tranh toàn cảnh của ngành ngân hàng năm 2019 đều hồ hởi báo lãi lớn với tốc độ tăng trưởng rất cao.
Vietcombank vẫn là nhà băng dẫn đầu về lợi nhuận ròng trong năm 2019 khi đạt tới mức đỉnh 18.514 tỷ đồng, tăng gần 27% so với năm 2018. Đóng góp vào sự tăng trưởng này của Vietcombank là nhờ hầu hết mảng kinh doanh tăng trưởng tích cực, trong đó đáng kể nhất là lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng tới 49% khi đạt 3.378 tỷ đồng. Đồng thời trích lập dự phòng rủi ro cũng giảm 8% còn 6.790 tỷ đồng.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của Techcombank chỉ gần 19% nhưng vẫn đứng ở vị trí thứ hai khi đạt hơn 10.075 tỷ đồng. Lợi nhuận của Techcombank tăng một phần nhờ trích lập dự phòng giảm 50% so với 2018, chiếm 917 tỷ đồng.
Trong khi đó, Vietinbank có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2019 thuộc top 2 trong ngành ngân hàng nhưng chỉ về vị trí thứ 3 với 9.461 tỷ đồng, khi tăng gần 75%.
Sự bứt phá này của Vietinbank là nhờ lãi thuần dịch vụ tăng đến 46% lên 4.056 tỷ đồng, lãi thuần hoạt động ngoại hối cũng tăng vọt 120%, đạt gần 1.565 tỷ đồng. Tỷ lệ thu ngoài lãi chiếm 22% tổng doanh thu hoạt động.
Với mức tăng “nhẹ nhàng” chỉ hơn 15%, BIDV rớt xuống sau Vietinbank so với năm 2018 khi về vị trí thứ 4 với 8.487 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. BIDV tụt hạng do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2019 chiếm tới 20.009 tỷ đồng, gấp 1,5 lần Vietinbank.
Theo VCSC, chính tốc độ giải quyết nợ xấu của BIDV đã ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của nhà băng này.
Báo cáo lợi nhuận năm 2019 của các ngân hàng |
Trong nhóm này, không thể không nhắc tới tốc độ tăng trưởng đáng nể của SeAbank khi vọt tới 123% để lên 1.098 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Một con số đỉnh nhất mà nhà băng này đạt được từ trước tới nay.
Đóng góp vào mức tăng trưởng vượt bậc này của SeAbank chính là nhờ các khoản mục thu nhập lãi thuần tới 34% lên 2.894 tỷ, dịch vụ cũng tăng 81%, mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 75% và hoạt động khác đột biến gấp 76 lần...
Vì thế, dù tăng trích lập gấp 229% lên 1.832 tỷ đồng thì nhà băng này vẫn lãi khả quan và vượt tới 75% kế hoạch đề ra.
Đáng buồn nhất trong nhóm này chính là KienLongBank khi lợi nhuận đi lùi tới 71% về còn 68 tỷ đồng phần nào do thua lỗ nặng trong quý 4 tới 120 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu khiến KienLongBank lỗ trong quý 4/2019 là do thu nhập lãi thuần giảm 53% so với cùng kỳ năm 2018, còn gần 116 tỷ đồng. Hơn nữa, chi phí hoạt động chiếm hơn 292 tỷ đồng, cao hơn tổng thu nhập của KienLongBank.
Cũng gặp thảm cảnh thua lỗ trong quý 4/2019 với 16 tỷ đồng, song nhờ các quý trước có lãi khả quan nên tính chung cả năm Eximbank vẫn đạt 866 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 31% so với năm 2018.