Buk-M3 Viking: Sát thủ tàng hình Nga hạ gục F-35, F-22
Hệ thống tên lửa phòng không Buk-M3 Viking của Nga đang trở thành tâm điểm chú ý với khả năng đối phó hiệu quả trước các mối đe dọa hiện đại.
Dương Ngân (Theo Bulgarian Military)
Xem toàn bộ ảnh
Theo tuyên bố của Công ty Rosoboronexport, Buk-M3 có thể tiêu diệt không chỉ các tên lửa dẫn đường chính xác hay đạn pháo hiện đại, mà còn cả các máy bay tàng hình như F-22 Raptor và F-35 Lightning II của Không quân Mỹ.
Buk-M3 Viking là phiên bản mới nhất trong gia đình hệ thống phòng không Buk, được phát triển bởi Tập đoàn Almaz-Antey. Hệ thống này đại diện cho bước tiến lớn với khả năng đối phó đa dạng các mối đe dọa trên không, từ máy bay tàng hình, tên lửa hành trình, máy bay không người lái (UAV) cho đến tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Với công nghệ radar, tên lửa và hệ thống chỉ huy tiên tiến, Buk-M3 tạo thành một mạng lưới phòng không linh hoạt và có sức mạnh hủy diệt cao. Điểm nhấn của hệ thống là bệ phóng 9A317M tiên tiến, được trang bị 6 tên lửa 9M317M sẵn sàng khai hỏa. Các tên lửa này sử dụng công nghệ dẫn đường radar chủ động, cho phép đánh trúng mục tiêu với độ chính xác cao và xử lý nhiều mục tiêu cùng lúc.
Mỗi bệ phóng 9A317M có thể xử lý độc lập 6 mục tiêu, một cải tiến đáng kể so với các phiên bản Buk trước đây. Hệ thống này có phạm vi tác chiến lên đến 45 km với tên lửa hành trình và hơn 70 km đối với máy bay thông thường, đồng thời đạt độ cao tác chiến lên tới 35 km.
Radar đa chức năng của Buk-M3 có thể theo dõi đồng thời hơn 100 mục tiêu trên không, bao gồm cả các mục tiêu có diện tích phản xạ radar (RCS) thấp như máy bay tàng hình. Hệ thống radar mảng pha nâng cấp, phát triển từ các chương trình S-400 và S-500, giúp Buk-M3 phát hiện và theo dõi hiệu quả các máy bay như F-35 và F-22.
Một điểm mạnh của Buk-M3 là tính cơ động. Hệ thống này được lắp đặt trên khung gầm bánh xích, cho phép di chuyển trên nhiều loại địa hình phức tạp. Tính cơ động cao giúp hệ thống dễ dàng tái định vị, cung cấp vùng bảo vệ linh hoạt và khó bị đối phương phát hiện, tấn công.
Buk-M3 còn có khả năng tích hợp với các hệ thống phòng không khác như S-300 và S-400, tạo nên mạng lưới phòng thủ nhiều tầng, tăng cường hiệu quả tác chiến.
Buk-M3 được cho là có khả năng đặc biệt trong việc phát hiện và tiêu diệt máy bay tàng hình, vốn dựa vào công nghệ RCS thấp và chiến tranh điện tử để né tránh radar. Sự kết hợp giữa radar đa băng tần và các hệ thống theo dõi mạng lưới của Buk-M3 giúp làm giảm đáng kể ưu thế của các thiết kế tàng hình phương Tây.
Hệ thống này còn sử dụng dữ liệu từ nhiều nguồn, bao gồm radar mặt đất, hệ thống cảnh báo sớm trên không và vệ tinh, tạo ra mạng lưới phát hiện toàn diện, khiến các máy bay tàng hình khó xâm nhập không phận.
Buk-M3 không chỉ nhắm đến máy bay hay tên lửa mà còn có khả năng đối phó với các UAV nhỏ và bay thấp. Hệ thống này cũng được thiết kế để hoạt động độc lập trong trường hợp bị cắt khỏi mạng lưới chung, với nguồn điện riêng và các biện pháp ngụy trang chống bị phát hiện.
Với công nghệ tiên tiến, khả năng linh hoạt và mạng lưới phòng thủ tích hợp, Buk-M3 Viking là một nền tảng phòng không đáng gờm trong chiến lược bảo vệ không phận hiện đại của Nga. Đây không chỉ là sự tiến hóa của dòng Buk, mà còn là minh chứng cho xu hướng phát triển phòng không hiện đại, nhấn mạnh sự thích nghi, kết nối và đa nhiệm. (Nguồn ảnh: TASS, RIA Novosti, Wikipedia, missilery.info, Armyregconition.com, Topwar, Bộ Quốc phòng).