Bước trượt dài của những đứa trẻ trong nhóm cướp manh động

Khi được hỏi về những đứa trẻ trong nhóm cướp tài sản, Thượng tá Nguyễn Đức Minh - Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy lại đầy ưu tư, trăn trở.

Việc Công an quận Cầu Giấy điều tra, bắt giữ 9 đối tượng trong ổ nhóm chuyên cướp tài sản nhằm vào những người hành nghề “xe ôm” Grab đã góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn. Thế nhưng, khi được hỏi về thành tích này, Thượng tá Nguyễn Đức Minh - Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy lại đầy ưu tư, trăn trở.
Anh cho biết, khi làm rõ nhân thân của các đối tượng trong nhóm cướp, ngay các điều tra viên hình sự có nhiều kinh nghiệm cũng “giật mình” bởi những tên cướp chỉ mới 13 đến 17 tuổi và có tới 5/9 đối tượng đang là học sinh vẫn hằng ngày cắp sách đến trường. Trường hợp học sinh vi phạm pháp luật không phải là hiếm nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên Công an quận Cầu Giấy điều tra, làm rõ một ổ nhóm tội phạm gây án rất nghiêm trọng có số đông học sinh tham gia như vậy.
Vì lẽ đó, dù là thành tích đấy nhưng cán bộ, chiến sĩ tham gia phá án đều chung một tâm trạng trĩu nặng khi kẻ phạm tội không thuộc diện đối tượng hình sự chuyên nghiệp mà lại là những thanh thiếu niên còn đang chập chững bước vào tuổi trưởng thành.
Khi gia đình không còn là mái ấm
Trịnh Ngọc Anh, là chủ mưu cầm đầu các vụ cướp và đóng vai trò hướng dẫn “đàn em” cách thức gây án chưa đầy 16 tuổi nhưng khá già dặn. 3 năm trước, bố mẹ Ngọc Anh ly hôn. Người mẹ chuyển vào Đà Lạt sinh sống và lấy chồng mới. Ngọc Anh theo bố xuống Hà Nội. Lúc đó, Ngọc Anh mới chỉ học hết lớp 7 và thôi học.
Theo khai nhận của Ngọc Anh thì do không có nhà nên cậu ta cùng bố ở tại trụ sở một công ty in trên phố Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nơi người bố làm việc. Không đi học, bố thì còn bận làm việc nên Ngọc Anh tìm đến các quán nét chơi bời rồi nghiện game.
Để thoát khỏi vòng quản lý của người cha, Ngọc Anh xin đi làm ở một quán lẩu trên phố Đại Kim và xin tiền bố thuê nhà ở. Chỉ làm một thời gian, sau đó Ngọc Anh sa đà vào game, bỏ đi lang thang, sống chủ yếu ở các quán nét tại khu vực Hoàng Mai, Cầu Giấy, Mỹ Đình.
Các đối tượng cướp tài sản tuổi học sinh khai nhận hành vi phạm tội.
Các đối tượng cướp tài sản tuổi học sinh khai nhận hành vi phạm tội. 
Khoảng một tháng trước khi gây ra các vụ cướp tài sản, Ngọc Anh thuê phòng tại nhà nghỉ Hải Phong (ngõ 5, Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy) ở cùng bạn gái 16 tuổi. Theo lời cậu ta thì cô bạn gái này quen qua mạng và đang học lớp 10, hoàn cảnh bố mẹ ly thân nên hai bên có nhiều điều chia sẻ, tâm sự. Nghe theo tiếng gọi của tình yêu, cô bạn tuổi teen này liền dọn đến nhà nghỉ ở cùng Ngọc Anh.
Hằng ngày, Ngọc Anh phải lo tiền thuê phòng nghỉ là 250.000 đồng/ngày cùng tiền sinh hoạt “nuôi” bạn gái. Những lúc rủng rỉnh thì đi ăn nhà hàng. Hết tiền thì ăn mì tôm úp. Tiền xin bố mẹ không thể đủ để tiêu xài hoang phí như vậy nên Ngọc Anh đã lập kế hoạch cướp xe máy của những người đi ngoài đường vắng lúc đêm khuya và cướp “xe ôm” Grab bán lấy tiền.
Để thực hiện các vụ cướp, Ngọc Anh lôi kéo những người bạn quen ở quán nét cùng thực hiện. Trong số đó có Phùng Minh Hiếu, đang là học sinh lớp 11. Hiếu khai nhận trước khi cùng Ngọc Anh gây án, cậu ta đang nợ số tiền trên 10 triệu đồng do nhiều lần vay mượn để đánh bài trực tuyến.
Món nợ cứ ngày một lớn dần. Không xoay đâu ra tiền trả nợ nên khi Ngọc Anh rủ đi cướp, Hiếu đồng ý luôn. Theo kế hoạch, vào nửa đêm, đợi bố mẹ ngủ say, Hiếu lén lấy xe máy SH của mẹ chở Ngọc Anh đi gây án.
Trong những đối tượng kết giao với Trịnh Ngọc Anh có Nguyễn Xuân Tùng, đang là học sinh lớp 11. Nghiện game online, thường bỏ nhà đi lang thang tại các quán nét và giao du với những thanh niên hư hỏng là nguyên nhân dẫn đến bước trượt của Tùng và tất cả những đối tượng tham gia trong nhóm cướp tài sản do Ngọc Anh cầm đầu.
Ban đầu, khi Ngọc Anh phổ biến cách đi cướp “xe ôm” Grab, Tùng từ chối không tham gia. Tuy nhiên sau đó, cậu ta lại về rủ 2 người bạn game là Bùi Đình Quý và Nguyễn Đức Minh (đều là học sinh cấp 2 ở quận Nam Từ Liêm) gây ra vụ cướp xe tại phường Quan Hoa đêm 26/11.
Tại Cơ quan công an, khi chúng tôi hỏi lý do vì sao lại đi cướp xe, Nguyễn Xuân Tùng trả lời rất hồn nhiên rằng vì thương Ngọc Anh không có tiền thuê nhà nghỉ nên đã rủ các bạn đi gây án để lấy tiền giúp Ngọc Anh. Chúng tôi đã gặng hỏi Tùng nhiều lần rằng cậu ta có nợ tiền hay nợ “tình cảm, ân nghĩa” gì với Ngọc Anh không mà dám liều mình giúp bạn như vậy, trong khi ở gia đình thì Tùng lại không đỡ đần bất cứ việc gì giúp cha mẹ? Tùng không mảy may nghĩ ngợi, cho biết vì Ngọc Anh khóc lóc kể hoàn cảnh, thấy “thương quá” nên quyết định phải giúp đỡ người bạn vốn chỉ quen biết nhau ở quán.
Mặc dù hành vi cướp tài sản là rất nghiêm trọng, song trong nhận thức của Tùng lại chỉ là một việc hết sức đơn giản nhằm “giúp bạn” nên cậu ta kể lại một mạch quá trình gây án không chút sợ hãi. Nếu nghe được lý do phạm tội hết sức “lãng xẹt” như vậy của con trai, không biết bố mẹ Tùng sẽ phản ứng thế nào khi đã được cậu ta “báo hiếu” như vậy?
Ngoài gặp gỡ ở quán, một địa điểm mà đám thanh niên lêu lổng, lang bạt như Trịnh Ngọc Anh thường tụ tập là những quán nước vỉa hè, trong đó có quán nước của gia đình Bùi Hoàng Long (SN 2000, ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ). Long mới học hết lớp 8 thì nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ bán quán nước.
 
Trong thời gian 30 phút, các đối tượng Trịnh Ngọc Anh và Phùng Minh Hiếu đã gây ra 2 vụ cướp “xe ôm” Grab rất manh động.
Quá trình điều tra, làm rõ Bùi Hoàng Long cùng Trịnh Ngọc Anh gây ra vụ cướp xe máy của một nam sinh viên trên đường Trần Cung (quận Bắc Từ Liêm) vào rạng sáng ngày 17/9. Sau khi học được thủ đoạn cướp tài sản của Ngọc Anh, Bùi Hoàng Long tiếp tục rủ nhóm bạn khác gây án với phương thức tương tự.
Lựa chọn thời điểm nửa đêm, các đối tượng rủ nhau đi xe máy trên các tuyến đường vắng để tìm những người đi xe máy một mình, dùng tuýp sắt đe dọa, tấn công để cướp.
Tối 6/10/2017, khi Long đang bán nước cùng mẹ thì Đỗ Tiến Thành và Phùng Ngọc Hương (cùng sinh năm 2000) đi xe máy đến. Cần tiền tiêu xài cá nhân, cả 3 đối tượng rủ nhau đi cướp. Đợi đến nửa đêm, chúng phân công Long điều khiển xe máy chở Thành và Hương mang theo 1 tuýp sắt đi lang thang trên các tuyến đường tại quận Cầu Giấy, tìm người sơ hở để cướp.
Khoảng 1h20 ngày 7/10, khi đến đầu đường Trần Đăng Ninh (phường Dịch Vọng), phát hiện có 3 thanh niên gồm 1 nam 2 nữ đang đứng trú mưa dựng xe máy trước hiên, Long quay xe cho Thành và Hương nhảy xuống, cầm tuýp sắt vào đe dọa. 3 thanh niên sợ quá bỏ chạy.
Riêng chị Nguyễn Thị Hằng (17 tuổi) bị xe máy đổ đè vào chân nên không chạy được. Thành và Hương dùng tuýp sắt uy hiếp, cướp chiếc túi xách của nạn nhân bên trong có chiếc điện thoại rồi tẩu thoát.
Tại cơ quan điều tra, Đỗ Tiến Thành khai đang học lớp 12. Hoàn cảnh bố mẹ bỏ nhau, bố chuyển vào miền Nam sinh sống, Thành ở cùng mẹ tại phố Kim Mã Thượng. Người mẹ hằng ngày tần tảo bán bánh cuốn nuôi con, không thể biết được cậu con trai lêu lổng, kết giao với kẻ xấu từ bao giờ.
“Mẹ lo cho cháu đầy đủ, không thiếu thốn thứ gì. Dự định là sau khi học hết cấp 3, mẹ sẽ lo cho cháu sang Nhật lao động vì có một số người nhà cũng đang làm việc bên đó”, Thành kể về tương lai sau khi tốt nghiệp THPT. “Được mẹ lo đầy đủ như vậy, vì sao cháu lại đi cướp tài sản?”, tôi hỏi. “Lúc đầu cháu chỉ nghĩ đi lượn, đi cho vui thôi”, Thành biện minh cho hành vi cướp tài sản mà cậu ta tham gia với vai trò “cầm tuýp sắt uy hiếp nạn nhân”.
Ban ngày đi học, ban đêm đi cướp đối với những học sinh cấp 3 như Phùng Minh Hiếu, như Đỗ Tiến Thành chắc chắn là điều mà các bậc cha mẹ không thể ngờ tới. Nhưng đây cũng là điều đáng trách, bởi nếu quan tâm sâu sát tới mọi sinh hoạt hằng ngày của con, trò chuyện và giám sát các mối quan hệ của con, họ sẽ nhận ra những điều bất thường để uốn nắn, điều chỉnh. Bởi để dẫn đến bước trượt như vậy phải có thời gian và quá trình. Ham game online, thường tụ tập ở các quán nét chính là những dấu hiệu đầu tiên của các thanh niên thế hệ 10X này, trước khi trượt ngã vào con đường vi phạm pháp luật.
Nỗi ân hận muộn màng
Tới Công an quận Cầu Giấy để thực hiện việc giám hộ cho cháu nội là Bùi Đình Quý (SN 2003), ông Bùi Đình T. (70 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm) cứ chắp tay xin: “Cháu bé trót lầm đường lỡ bước, xin các bác tha cho cháu”. Nhìn gương mặt nhăn nheo, khắc khổ và mái tóc bạc phơ của ông cụ, mọi người đều thở dài thương cảm.
Khi chúng tôi hỏi bố mẹ của Quý đi đâu mà để ông nội một mình giải quyết việc của cháu, ông T. như được cởi lòng, nước mắt trào ra: “Bố mẹ nó bỏ nhau hơn 10 năm rồi, từ hồi nó mới 3 tuổi. Ông bà nội nuôi cháu từ đó đến nay”.
Ngồi cạnh ông, đứa cháu nội mặt còn non choẹt thi thoảng lại đưa ánh mắt sợ sệt nhìn các điều tra viên, rồi liếc trộm sang ông như dò xét thái độ. Ông bà thì già, mắt mờ tay chậm nào có thể theo cháu từng bước như ngày còn thơ bé. Trong cơn lốc đô thị hóa của mảnh đất Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), những quán Internet mọc lên như nấm.
Các điều tra viên kiểm tra tang vật vụ án.
 Các điều tra viên kiểm tra tang vật vụ án.
Thằng Quý ham game online “Liên minh huyền thoại” từ lúc nào, ông nội làm sao mà quản hết được. Ông T. cũng không thể lường hết được những mối nguy hiểm rình rập khi đứa cháu đích tôn của ông bắt đầu giao du với những người bạn mới nghiện nét như nó.
Theo lời tâm sự của ông T. thì sau khi ly hôn, mẹ của Quý đi lấy chồng ở Hải Dương, bố Quý cũng lấy vợ mới và có con riêng, để 3 đứa con cho ông bà nội chăm sóc. Khi đó, 3 chị em Quý mới “trứng gà, trứng vịt”, đứa lớn nhất học lớp 2, còn Quý nhỏ nhất đang học mẫu giáo. Tiền nuôi cháu dựa vào nguồn thu nhập từ mấy phòng cho thuê trọ.
“Không có nhiều tiền nhưng chúng tôi cũng cố gắng chắt chiu nuôi 3 cháu ăn học nên người. 2 đứa lớn đều học đại học. Còn thằng bé Quý này bình thường cũng ngoan lắm, nó vẫn đi học đấy bác ạ”, ông cụ phân bua.
Hỏi về sự quan tâm của bố mẹ đối với Quý, ông T. thở dài sườn sượt. “Bố nó lấy vợ, ở ngay bên cạnh đấy mà có quan tâm gì đến con cái đâu, cứ phó mặc hết cho ông bà thôi. Đến tiền điện, nước sinh hoạt của bố nó, tôi cũng phải trả. Hôm vừa rồi nghe tin thằng Quý bị bắt, hàng xóm còn chạy sang hỏi thăm chứ bố nó cũng chả hỏi gì. Tội nghiệp cháu tôi sống thiếu thốn tình cảm nên mới đua đòi với bạn bè như thế”, ông cụ tiếp tục bảo vệ đứa cháu đích tôn và được dịp bày tỏ nỗi niềm về gia cảnh không mấy vui vẻ.
Nghe chúng tôi hỏi Quý có hay liên lạc với mẹ không, ông T. lại thanh minh cho cháu: “Hồi đầu bố nó cấm không cho mẹ nó đến thăm con. Mà số con dâu tôi cũng vất vả. Nó đi lấy chồng ở Hải Dương, đẻ được đứa con xong bị chồng hắt hủi nên giờ lại quay về nhà bố mẹ đẻ ở Mễ Trì. Không có điều kiện nhà cửa ổn định nên nó không đón con về nuôi được, nhưng vẫn có trách nhiệm với con cái chứ bố nó là con đẻ tôi đấy mà không bằng.
Nhưng năm nay tôi đã 70 tuổi rồi, chả biết có khỏe mãi để mà nuôi cháu không. Vừa rồi thấy vợ chồng tôi vất vả quá, chị gái thằng Quý đã quyết định nghỉ học để đi làm đỡ ông bà. Còn thằng Quý nhỏ quá, có thế nào chúng tôi cũng quyết không để cháu phải bỏ học. Mong các bác nương tay xét cho hoàn cảnh của cháu...”.
Đối với những đứa trẻ đang bước vào tuổi ngang ngạnh, ương dở dậy thì, hoàn cảnh gia đình, sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ ở giai đoạn này có vai trò cực kỳ quan trọng. Bố mẹ ly hôn đã là một vết thương trong tâm hồn của chúng. Chưa nói đến chuyện bố mẹ vì mải chạy theo cuộc sống riêng tư đã “quên” trách nhiệm với con cái thì khi đó, những đứa trẻ trở thành nạn nhân của sự vô tâm, vô cảm của người lớn.
Tâm lý bất mãn nảy sinh khiến chúng rất dễ bị lôi kéo vào tệ nạn, vào con đường vi phạm pháp luật. Trong những vụ việc con trẻ phạm tội, khi người lớn ân hận thì đã muộn...