Ca ghép gan kéo dài trong khoảng 12 giờ, bắt đầu từ 9h sáng đến 21h tối 1/12.
![]() |
Dự kiến, bệnh nhi H.G.H sẽ được xuất viện vào cuối tháng 12. Ảnh: Vietnamnet. |
Bác sĩ Lê Thị Minh Hồng, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 2 cho biết, dù tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp nhưng với sự nỗ lực hết mình để cứu bé, "dàn nhạc" gồm gần 70 y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 phối hợp cùng với các y bác sĩ từ BV Đại học Y Dược TP.HCM đã tiến hành phẫu thuật ghép gan cho bé, từ phần gan hiến tặng của người cha ruột.
Công tác chuẩn bị, phối hợp nội viện và liên viện được thực hiện tốt để hoàn thành tốt cuộc phẫu thuật lấy và ghép gan cho bệnh nhi. Mặc dù có nhiều khó khăn trong phẫu thuật, do tạng ở bệnh nhi dính quá nhiều, nhưng diễn tiến trong và sau mổ khá thuận lợi và cho kết quả thành công ban đầu.
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, phẫu thuật ghép gan được xem là phẫu thuật khó bậc nhất nhưng là phương pháp điều trị hữu hiệu cho bệnh gan giai đoạn cuối. Bé gái H.G.H này là ca ghép gan thành công đầu tiên của bệnh viện với ê kíp toàn đội ngũ y, bác sĩ của Việt Nam. Trước đó, từ năm 2005 đến 2020, 14 ca ghép gan luôn có đoàn giáo sư đến từ Bỉ trực tiếp hỗ trợ.
200 bệnh nhi suy gan giai đoạn cuối
Theo GS Trần Đông A, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) hiện có khoảng 200 trẻ em bị suy gan giai đoạn cuối đang chờ được ghép gan. Nếu không được ghép gan, những trẻ em này sẽ tử vong. Đây là điều rất đau lòng cho gia đình bệnh nhi cũng như với đội ngũ y bác sĩ.
Trẻ bệnh gan giai đoạn cuối có nhiều biến chứng, phải nhập viện nhiều lần, chi phí cao, khiến gia đình bệnh nhi dần suy kiệt. Vì vậy, các chính sách cho bệnh nhi ghép gan và sự hỗ trợ từ cộng đồng là rất cần thiết.
Theo GS Đông A, ghép gan cho trẻ em từ người cho gan còn sống có cái khó. Cụ thể, ca ghép này lấy gan từ cha của bé ghép cho bé mà thất bại là bé sẽ tử vong, chứ không như ghép thận có "sự cố" gì thì có thể còn chạy thận nhân tạo. Do vậy, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và thận trọng cho ca ghép gan này.