Cảm thương người đồng nghiệp
PGS.TS Trần Đình Chiến, Chủ nhiệm Bộ môn Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện 103 đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề. Hằng năm có hàng trăm ca phẫu thuật ghép xương, thay khớp... mà ông đã thực hiện thành công, tuy nhiên lật lại ký ức nghề nghiệp của mình, vị bác sĩ này nhớ mãi ca ghép xương cho bệnh nhân Nguyễn Thị Vui (Thuận Thành, Bắc Ninh).
Chị Vui là một giảng viên đại học, hằng ngày mặc tà áo dài đứng trên bục giảng. Thế rồi một ngày không may năm 2008, chị phát hiện ra mình có khối u lớn ở đầu dưới xương đùi. Đau đớn và tuyệt vọng hơn khi cô gõ cửa các bệnh viện đều có câu trả lời là nếu cắt bỏ khối u, ghép xương cho cô thì có thể khỏi bệnh nhưng sẽ phải ngồi xe lăn. Không thể chấp nhận cảnh hằng ngày phải nhờ người thân, học trò khiêng xe lăn lên bục giảng, không cầm phấn viết bảng, cô giáo Vui tiếp tục hành trình tìm thầy, tìm thuốc.
Năm 2009, cô tới khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện 103 được PGS.TS Trần Đình Chiến thăm khám. Cầm hồ sơ, xét nghiệm và phim X-quang, vị PGS.TS này cũng ngần ngại bởi khối u đã ăn sâu và rộng nhưng khi biết Vui cũng là giảng viên đại học, là đồng nghiệp của mình, ông thấy cảm thông với khát khao của một cô giáo trẻ khi cần đôi chân đứng trên bục giảng và cuối cùng, ông đã nhận lời cho ca phẫu thuật...
PGS.TS Trần Đình Chiến xem lại phim X-quang của chị Vui. |
Ca ghép hiếm gặp
Sau khi làm thủ tục và các xét nghiệm, ca phẫu thuật khối u khổng lồ của bệnh nhân Vui được tiến hành. Khối u của cô đã phá hủy rộng, cô được cắt bỏ đoạn xương dài với kích thước 10 x 12cm, gồm toàn bộ đầu dưới xương đùi. Sau đó, PGS.TS Trần Đình Chiến tiến hành ghép xương bằng thay thế đầu dưới xương đùi đồng loại bảo quản đông lạnh và kết xương bằng đinh nội tủy dài 42cm xuyên từ đầu trên xương đùi qua khớp gối xuống đầu trên xương chày và gắn thêm 2 đinh steinman chéo để giữ xương ghép với xương lành.
Sau mổ một tháng, bệnh nhân đã đi lại bằng nạng tốt, lúc này chị Vui đã mãn nguyện. 3 tháng sau làm xét nghiệm, khối u đã được vét hết sạch, chụp chiếu lại thì mảnh xương ghép đã gắn vào xương lành và bắt đầu thay thế xương ghép thành xương của mình. 4 tháng sau chị bỏ nạng, đi lại bình thường và chỉ còn hơi cứng gối, lúc này chị đã lên bục giảng tự tin. Cho đến giờ, thi thoảng những ngày lễ tết, dù ở xa, chị Vui vẫn không quên gọi điện chúc mừng vị ân nhân đã tái tạo chiếc chân mang lại niềm đam mê đứng lớp cho mình.
Chia sẻ về ca phẫu thuật, PGS.TS Trần Đình Chiến cho biết thêm, ca ghép theo dõi sau 4 tháng thì thực sự thành công. Đây là một ca ghép xương khổng lồ, hiếm gặp. Khó khăn nhất khi thực hiện là phải vét sạch khối u, nếu còn sót nó sẽ ăn tiếp các đoạn xương khác, khiến bệnh nhân có thể phải phẫu thuật lại sau đó. Thứ nữa là chỉ sợ khối xương hỏng quá lớn và dài sẽ khó liền với xương nhận, tỷ lệ nhiễm trùng cao. Tuy nhiên, sau thời gian phẫu thuật thì xương đồng loại ghép vào cho bệnh nhân giống như một cái khung để xương của bệnh nhân thay thế, che lấp vùng khuyết, tạo điều kiện cho mạch máu phát triển biến xương đồng loại thành chính xương bệnh nhân, chính vì vậy mà bệnh nhân đã đi lại, vận động dễ dàng như trước.
Từ khi công tác tới nay, PGS.TS Trần Đình Chiến phẫu thuật ghép xương, bóc tách khối u nhỏ cho hàng ngàn bệnh nhân. Tuy nhiên, những ca có khối u khổng lồ, cần ghép xương dài thì rất hiếm gặp và ông đã thực hiện khoảng 10 ca bệnh. Từ việc bệnh nhân bị liệt, khối u ngày càng lan rộng, ông đã trả lại chiếc chân hoàn chỉnh, mang lại niềm vui lớn lao cho họ. |