Không từ bỏ
Mẹ của Lưu Tiểu Huyên là một người phụ nữ rất kiên cường, độc lập. Việc gì bản thân có thể tự làm, bà sẽ không bao giờ làm phiền người khác, cơ thể dù không khỏe, nhưng nếu cảm thấy chưa nghiêm trọng bà thường không đi bệnh viện ngay.
Trong gia đình thì sức khỏe của bà là yếu nhất, dễ bị lây bệnh nhưng theo lời con gái, ban đầu, bà có triệu chứng giống như bị cảm. Bà quyết định tự chữa trị ở nhà 4 ngày, nhưng không có kết quả.
Ngày 30 Tết, gia đình nhận thấy tình trạng có vẻ nghiêm trọng nên đưa bà đi bệnh viện. Sau khi chụp CT, kiểm tra máu, bác sĩ thông báo bà đã nhiễm virus corona.
Bệnh tình của bà càng lúc càng trở nên nghiêm trọng, cả hai phổi đã bị tổn thương nặng, không đi nổi. Lưu Tiểu Huyên bèn lấy xe lăn để đẩy bà di chuyển trong bệnh viện.
"Người chờ tiêm thuốc xếp hàng dài. Đợi 6 tiếng, rồi 7 tiếng,... vẫn chưa đến lượt, trong khi mẹ tôi thì sức khỏe yếu dần. Tôi bèn để người nhà chăm mẹ ở góc riêng và tự mình đến xếp hàng, đến lượt thì gọi người nhà đưa mẹ tôi đến", Lưu Tiểu Huyên kể.
Bệnh nhân và người nhà mệt mỏi trước đại dịch viêm phổi |
Điều đau lòng hơn, bố Lưu Tiểu Huyên cũng bị nhiễm virus corona trong quá trình chăm sóc mẹ. Ông có tiền sử bị đột quỵ. Ban đầu, ông chỉ ho, không sốt nhưng cổ họng bị nghẹt và có cảm giác khó chịu trong người. Hơi thở của ông như tiếng thổi bong bóng.
Lúc đó, Lưu Tiểu Huyên như phát điên. Bố mẹ cô đều đã nhiễm bệnh. Cô đã xếp hàng 8 tiếng để mẹ đến lượt tiêm thuốc, nên khi nghe bác sĩ bảo bố cô cũng phải xếp hàng lại từ đầu vì bệnh nhân nào cũng đang trong tình trạng nguy hiểm, cô khóc lóc cầu xin bác sĩ cho cha được tiêm thuốc ngay, vì bệnh tình của ông còn nghiêm trọng hơn, lúc đó ông dường như không còn chút sức lực. Rất may là bác sĩ đã đồng ý tiêm ngay cho ông.
"Cả gia đình tôi đều kiên trì, động viên nhau cố gắng. Bệnh tình mẹ tôi có vẻ ổn định hơn, chỉ có bố tôi là vẫn không khá lên. Ông không cử động được, muốn di chuyển thì được đặt ngồi lên xe lăn, ăn phải có người đút. Nhưng Bênh viện Trung tâm thành phố Vũ Hán nơi chúng tôi đang khám đã không thể nhập viện vì đã hết giường trống.
Không còn cách nào khác, họ đành gọi số điện thoại 1.2.0 (điện thoại cứu thương). Gọi nhiều lần mới có xe đến đưa bố mẹ Tiểu Huyên đến bệnh viện Vũ Xương. May mắn là chỉ đợi 3 tiếng đã có thể tiêm thuốc, may mắn hơn là bệnh viện vừa kịp thu xếp được một tòa nhà mới để thu nhận thêm bệnh nhân nhiễm virus corona, cuối cùng bố mẹ Tiểu Huyên cũng có một giường bệnh.
Tiểu Huyên tâm sự: “Nói thật, tôi không quá sợ hãi, tôi cũng không nghĩ rằng tất cả những người đến khám đều bị nhiễm, một số trong đó có thể chỉ là cảm thông thường, hoặc cũng có thể là triệu chứng thường thấy của bệnh viêm phổi trong quá khứ. Ngoài ra, tôi cũng không cảm thấy mình quá bi thảm, bởi khi nghĩ như thế tôi sẽ trở nên mất tự tin. Tôi đã từng chứng kiến một gia đình 4 người đều bị nhiễm bệnh, tuy nhiên họ không hề suy sụp, luôn động viên nhau phải suy nghĩ tích cực”.
Trung Quốc tăng cường lực lượng lớn các bác sĩ tới Vũ Hán để chống dịch virus corona |
Phân công nhiệm vụ chăm sóc người thân
Tiểu Huyên chia sẻ, kinh nghiệm chăm sóc người thân bị nhiễm virus corona, điều này không chỉ giúp ích cho sức khỏe mà còn có tác dụng với tâm lý của người bệnh.
“Tôi với chồng có sự phân công rõ ràng. Anh ấy lo cơm nước, còn tôi đưa bố mẹ đi bác sĩ, bởi chúng tôi không thể để bố mẹ ăn đồ ăn ở bên ngoài, điều này là thiếu trách nhiệm và thật sự là đồ ăn ngoài cũng không phù hợp với người bệnh.
Như mẹ tôi chẳng hạn, khi bị bệnh bà chẳng muốn ăn gì, thậm chí chỉ ngửi thấy mùi rau xào là đã buồn nôn. Tuy nhiên tôi đã kiên trì động viên bà ăn khoai lang, cháo gà, trứng luộc và thêm nước cam tươi. Nôn cũng không sao cả, bằng mọi giá phải bổ sung cái gì đó để có sức mà chống chọi lại với bệnh tật.
Chế độ ăn uống của bố tôi cũng như vậy, ông không ăn được những thứ khó tiêu nên tôi thường hầm canh gà với yến mạch, hạt kê để vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa giúp tiêu hóa tốt”.
Dù bệnh viện đề xuất không nên đưa cơm vào cho người nhà, Tiểu Huyên nghĩ nếu mỗi ngày 3 lần đưa cơm, bố mẹ sẽ an tâm và tự tin chống chọi bệnh tật.
Về vấn đề bảo hộ, gia đình cô luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. “Phòng khách - nơi chồng tôi ngủ thì tôi tuyệt đối không đến. Phòng bếp là nơi cần sạch sẽ nên tôi tuyệt đối giữ vệ sinh, khử trùng khi cần thiết”, Tiểu Huyên chia sẻ.
Mệt mỏi vì bố mẹ bị nhiễm bệnh đúng vào những ngày đầu năm mới, tuy nhiên vợ chồng Tiểu Huyên vẫn luôn nhắc nhở nhau phải gắng giữ sức khỏe để chăm lo cho người thân và tình hình đang tốt dần lên.