Ca sỹ Lê Vĩnh Toàn: Hành trình “tái sinh” ngỡ như không tưởng

Việc trở thành ca sỹ, từng thi đấu đến Vòng chung kết Sao Mai điểm hẹn khu vực miền Trung – Tây Nguyên, hiện là sinh viên Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam… với Lê Vĩnh Toàn là một hành trình "tái sinh" ngỡ như “không tưởng”.

Cuộc trò chuyện với ca sĩ Lê Vĩnh Toàn trong ngày cuối năm có những khoảng lặng vì xúc động. Những hồi ức trong dòng chia sẻ như cuốn phim tua ngược lại với nhiều nghẹn ngào. Vì gian khó. Vì tủi buồn. Và cả những ân tình không gì đong đếm được. Với Toàn, đó thực sự là cuộc “tái sinh”.
Ca sy Le Vinh Toan: Hanh trinh “tai sinh” ngo nhu khong tuong
 Ca sĩ Lê Vĩnh Toàn.
Câu nói khiến cậu “bảo vệ” 15 tuổi thức tỉnh
Mới đây, bộ phim ca nhạc "Miền nhớ" của đạo diễn trẻ Huyền Vũ được phát sóng trên VTV1 đã nhận được nhiều sự yêu mến của công chúng. “Miền nhớ” là bộ phim ca nhạc kể về những hồi ức của ca sĩ Lê Vĩnh Toàn – nhân vật chính trong phim. Với giọng hát ngọt ngào,đầy cảm xúc, qua 7 ca khúc, trong đó 2 ca khúc do chính mình sáng tác, ca sĩ Lê Vĩnh Toàn đã khiến khán giả thổn thức về những chặng đường anh đã trải qua.
“Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có 5 anh chị em ở Nghệ An. Học hết lớp 9, tôi phải bỏ học, lên Sa Pa (Lào Cai) đi làm bảo vệ cho một khách sạn để kiếm sống”, ca sĩ Lê Vĩnh Toàn mở đầu câu chuyện.
Ca sy Le Vinh Toan: Hanh trinh “tai sinh” ngo nhu khong tuong-Hinh-2
Lê Vĩnh Toàn trong phim "Miền nhớ" - bộ phim tái hiện một phần tuổi thơ của Toàn. 
Thấy Toàn chưa đủ tuổi, chủ khách sạn từ chối, không nhận. Nhưng Toàn nói: “Trong túi em chỉ còn vài chục ngàn, không đủ tiền đi xe về Nghệ An. Mà em cũng không thể quay về quê được, vì em phải đi làm, kiếm tiền”. Thương tình, chủ khách sạn tạo điều kiện, nhận Toàn vào làm việc.
Đó là quãng thời gian không thể quên với Toàn. Thời tiết ở Sa Pa rét thấu xương, cái lạnh Toàn chưa bao giờ trải qua trong đời, trong khi quần áo không đủ ấm, từ 4h sáng Toàn đã phải dậy để phục vụ khách du lịch. Những chiếc ba lô của khách Tây nặng quá khổ oằn trên thân thể gầy yếu của một cậu bé 15 tuổi. Toàn cố gắng từng chút, từng chút một để có tiền trang trải cuộc sống và gửi về cho gia đình.
Toàn nhận ra mình có niềm đam mê đối với âm nhạc từ những buổi hát karaoke cùng đồng nghiệp mỗi khi rảnh rỗi. Đặc biệt, Toàn rất thích đi nhà thờ. Mỗi khi vào nhà thờ, nghe hát thánh ca, Toàn như bị “thôi miên” bởi giai điệu và ca từ. Và cũng trong một lần đi nhà thờ, câu nói của vị Cha xứ đã khiến cuộc đời Toàn rẽ sang bước ngoặt.
“Một lần, em nghe Cha nói: ‘Hãy bước đi và gieo những yêu thương hy vọng’, trong em bỗng như thức tỉnh. Về phòng, em đã suy nghĩ rất lâu. Sau đó, em quyết định về quê, tiếp tục học bổ túc để lấy bằng cấp 3”, Toàn bồi hồi nhớ lại.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Trở về quê, do có anh trai ruột làm MC đám cưới, Toàn xin anh cho đi hát đám cưới để vừa có tiền, vừa học hỏi. Mỗi buổi đi hát, Toàn được trả 100.000 -150.000 đồng. Với Toàn, đây là số tiền đáng quý.
Để có thêm công việc, Toàn đến các nhà làm rạp đám cưới xin đi bê loa, để khi chương trình nào thiếu ca sĩ, lúc vắng người thì cho Toàn lên sân khấu hát. Lúc nào trong cốp xe của Toàn cũng có sẵn cái áo sơ mi sạch sẽ, để phòng trường hợp, khi bê loa xong, nếu có cơ hội được hát, Toàn sẽ mặc áo vào lên biểu diễn.
Ca sy Le Vinh Toan: Hanh trinh “tai sinh” ngo nhu khong tuong-Hinh-3
 Một lần, khi nghe Cha xứ nói: ‘Hãy bước đi và gieo những yêu thương hy vọng", Toàn đã như thức tỉnh.
Thế rồi, dần dần, tiếng hát của Toàn được biết đến nhiều hơn. Toàn có thể biểu diễn ở các sân khấu lớn hơn, tại các sự kiện của tỉnh, của huyện. Trong một sự kiện, tình cờ Toàn quen một một nghệ sĩ ở Đoàn ca múa nhạc dân tộc Nghệ An. Nghe giọng hát của Toàn trong ca khúc "Chuyện tình sông Hương", anh rất thích, nói sẽ giới thiệu Toàn với lãnh đạo của đoàn. Sau hơn một tháng chờ mong, Toàn cũng có cơ hội này.

Sau khi thử giọng, lãnh đạo Đoàn ưng ý, nói Toàn làm hồ sơ để xét duyệt. Thế nhưng,khi yêu cầu nộp hồ sơ, Toàn lại thiếu một thứ quan trọng nhất, đó là bằng cấp 3.

“Em ra về đầu óc trống rỗng, chơi vơi, vô định. Một cái gì đó như sự sụp đổ, tan vỡ trong lòng, khi hy vọng vừa nhen nhóm lên lại vụt tắt. Nhưng rồi em nghĩ, cánh cửa này đóng lại, rồi sẽ có cánh cửa khác mở ra”, Toàn kể lại.
Thời gian sau, khi bình tĩnh lại, Toàn càng nhận thức rõ tầm quan trọng của tấm bằng cấp 3 và quyết tâm học cho bằng được. Sau khi lấy xong bằng cấp 3, Toàn vào miền Nam với hy vọng sẽ có môi trường, cơ hội phát triển tốt hơn cho mình.
Sài Gòn hoa lệ, Toàn thấy mình như một “cậu bé nhà quê” lạc lõng, thân thể gầy gò, da dẻ đen đúa, túi chỉ có 150 ngàn đồng, nhưng trong lòng Toàn chưa bao giờ thôi dập tắt đam mê, hy vọng.

Sau một tuần lang thang bến xe, ngủ ghế đá, ăn mì gói… để chờ cơ hội, cuối cùng Toàn cũng nhờ được một mối quan hệ giới thiệu vào gánh hát Phương Tường với công việc bê loa đài, set sân khấu, hậu đài và thi thoảng hát trong thời gian chờ ngôi sao biểu diễn.

Trong một lần biểu diễn, Toàn gặp ca sĩ Huyền Trang - giải Nhất Sao Mai điểm hẹn 2013 dòng nhạc dân gian. Huyền Trang khuyên Toàn nên ra Bắc để được đào tạo bài bản và có môi trường phù hợp hơn. Sau nhiều đêm cân nhắc, đắn đo, Toàn đã “Bắc tiến”, và được Huyền Trang giới thiệu với NSƯT Tân Nhàn, Phó Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam lúc bấy giờ – người thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Toàn sau này.
Ca sy Le Vinh Toan: Hanh trinh “tai sinh” ngo nhu khong tuong-Hinh-4
 Ca sĩ Tân Nhàn bên học trò Lê Vĩnh Toàn. Ảnh: NVCC.
Không chỉ cho Toàn ở nhờ căn hộ miễn phí, NSƯT Tân Nhàn còn dạy kèm, và nhờ thêm giáo viên dạy kèm cho Toàn ôn thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia. Đến khi Toàn bị “vướng” vì đã quá tuổi, chính NSƯT Tân Nhàn đã đứng ra bảo lãnh để Toàn vẫn có được cơ hội như các thí sinh khác, rồi có được giấy báo trúng tuyển.
“Nhận giấy báo, mắt em nhòa lệ. Giai đoạn em ôn thi, bố em ốm nặng, phải đưa ra Hà Nội điều trị. Một lần cha cầm tay em nói: “Con hãy cố lên”, sau đó ít lâu thì cha mất. Em đã hoàn thành được tâm nguyện của bố, nhờ có cô Tân Nhàn. 
Cha mẹ là người sinh ra em nhưng người cho em thêm cuộc sống mới là NSƯT Tân Nhàn. Không thể lời nào diễn tả hết sự biết ơn của em đối với cô. Thực sự, có thể nói, cô đã ‘tái sinh’ ra em”, ca sĩ Vĩnh Toàn xúc động.
Đam mê và khát khao cháy bỏng
Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ hết lòng của NSƯT Tân Nhàn, Vĩnh Toàn – một cậu bé nghèo, chỉ học hết lớp 9, phải làm đủ nghề để kiếm sống, đã đàng hoàng bước chân vào Học viện Âm nhạc Quốc gia - một cánh cửa mà trước đây Toàn chưa bao giờ dám mơ tới.
Ca sy Le Vinh Toan: Hanh trinh “tai sinh” ngo nhu khong tuong-Hinh-5
 Lê Vĩnh Toàn cảm ơn những tháng ngày tuổi thơ cơ cực đã đem đến cho anh rung cảm mãnh liệt khi hát về quê hương.
Cùng với sự nỗ lực của bản thân, Toàn đã dần dần có được những thành quả trong sự nghiệp, trong đó, có việc tham gia cuộc thi Sao Mai điểm hẹn 2022. Dù phải dừng chân ở chung kết khu vực miền Trung – Tây Nguyên, nhưng với Toàn, đó là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng hết mình, của một hành trình vượt lên số phận kỳ diệu.
Sau đó, là sự đón nhận của khán giả đối với bộ phim ca nhạc "Miền nhớ" được phát sóng trên VTV1. Nhiều đồng nghiệp, dù trước đó rất kiệm lời, nhưng sau khi xem phim đã bày tỏ niềm xúc động. “Họ khóc. Một phần, có lẽ vì cảm nhận được hành trình gian nan của bản thân em, một phần có thể họ thấy chính bản thân mình trong đó. Hình ảnh những buổi chiều lội nước ven sông, đứa trẻ xem mẹ tắm trâu, những cánh diều no gió, đồng lúa chín vàng… đã chạm vào ký ức của nhiều người”, Toàn chia sẻ.
Nhìn lại chặng đường đã qua, điều khiến Toàn cảm thấy may mắn, hạnh phúc là đã gặp được rất nhiều những tấm lòng, trái tim ấm áp. Nếu không có những vị ân nhân đó, đã không có được Toàn của ngày hôm nay. Nhưng để đón nhận được những điều ấy, phải có một Vĩnh Toàn kiên cường, không ngừng biết ước mơ và vươn lên.
“Không hiểu sao, ngay cả trong những ngày gian khó nhất, trong lòng em chưa bao giờ thôi mất niềm tin vào bản thân mình, rằng sẽ có một con đường đi tốt hơn. Sau mỗi một nấc thang em đạt được, khát vọng trong em lại càng cháy sáng hơn, với những khao khát lớn hơn. Em nghĩ, chính điều đó đã tạo cho em sức mạnh. Và một điều đặc biệt, chính tuổi thơ và những trải nghiệm nhọc nhằn đã khiến cho em có được những rung cảm mãnh liệt khi hát dòng nhạc quê hương, em cảm ơn vì điều đó”, Toàn tâm sự.
Từ hành trình của bản thân mình, Toàn cũng nhận ra một điều, việc học rất quan trọng. Có nhiều con đường dẫn tới thành công, nhưng học tập vẫn sẽ là con đường ngắn nhất. Nếu bỏ dở chương trình, chỉ dừng lại ở lớp 9, Toàn cũng đã không thể chạm tới ước mơ của mình.

Chọn dòng nhạc quê hương, về tình cảm với cha mẹ như sứ mệnh giữ gìn tình yêu thuần khiết và thiêng liêng, với Toàn, dù dòng chảy cuộc sống có quay cuồng như thế nào, dù có khổ đau, trả giá ra sao thì quay vào bên trong, trở về quê hương, cha mẹ, xóm làng vẫn luôn nghĩa tình ôm ấp, nuôi dưỡng, thứ tha cho tâm hồn ta.

Lê Vĩnh Toàn chia sẻ, anh có rất nhiều dự định cho chặng đường nghệ thuật phía trước của mình. Hiện, Lê Vĩnh Toàn đang ấp ủ thực hiện thêm những sản phẩm âm nhạc mới với những ca khúc mang âm hưởng dân ca đương đại. Toàn  khao khát làm liveshow của riêng mình để được hát và tri ân quê hương, cha mẹ. Đồng thời, mong muốn giúp được học sinh nghèo và yêu âm nhạc, có ước mơ mà không có điều kiện để theo đuổi.
“Tất cả những kế hoạch, dự định này hiện thực được hay không còn nhờ vào tình yêu thương ủng hộ của thầy cô, nghệ sĩ, bạn bè đồng nghiệp và khán giả. Tôi muốn tri ân tất cả và nguyện mang tình yêu âm nhạc để cống hiến", Toàn chia sẻ.

NSƯT Tân Nhàn chia sẻ, ấn tượng đầu tiên về Toàn là cậu bé nhút nhát nhưng hát rất hay, có tố chất của một ngôi sao dòng nhạc dân gian. "Tôi quý giọng hát này lắm và bảo em phải đi học môi trường tốt nhất, chính là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Giọng hát của Toàn rất nội lực, tình cảm và hiếm gặp. Mong rằng em sẽ nỗ lực để không phụ lòng những người đã yêu mến và kỳ vọng vào em nhé", NSƯT Tân Nhàn nói.

Chốt chính sách đặc thù cho đường sắt tốc độ cao

Chiều 30/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Chiều 30/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, với 443/454 đại biểu có mặt tán thành, 7 đại biểu không tán thành, 4 đại biểu không biểu quyết, Quốc hội đã thông qua nghị quyết chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Chot chinh sach dac thu cho duong sat toc do cao
 Kết quả biểu quyết Quốc hội đã thông qua nghị quyết chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: Mai Loan.
Cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù

Ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo tồn đa dạng sinh học

Ngày 19/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia” tại Hà Nội.

Bảo vệ đa dạng sinh học là việc làm cấp thiết
Phát biểu khai mạc Hội thảo “Vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia”, PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh tới tầm quan trọng của công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự suy giảm nghiêm trọng các hệ sinh thái tự nhiên.

Tin mới