Cá voi xám chết, liên tục dạt vào bờ Vịnh San Francisco
Một con cá voi xám đã chết được tìm thấy khi dạt vào bờ biển Linda Mar ở Pacifica, California. Đây là con cá voi xám thứ 10, chết ở vùng Vịnh San Francisco kể từ tháng 3 năm nay.
|
Cá voi xám chết liên tục dạt vào bờ ở Vịnh San Francisco. |
Theo tờ CNN, các nhà khoa học đang nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân đã giết chết một con cá voi xám, sau khi nó bị sóng đánh dạt vào bãi biển Linda Mar ở Pacifica, California, Mỹ.
Giancarlo Rulli, phát ngôn viên của Trung tâm động vật có vú biển của Mỹ cho biết: "Nơi tìm thấy con cá voi chết là một bờ đá, trong khu vực ngập nước. Các cơn bão hiện tại và điều kiện thủy triều khiến các đội chuyên gia khó tiếp cận con vật để điều tra nguyên nhân cái chết của nó".
Trung tâm động vật có vú biển của Mỹ phát hiện ra rằng, bốn con cá voi đã chết vì suy dinh dưỡng và bốn con khác chết vì các vụ tấn công của tàu từng dạt vào bờ biển. Tuy nhiên, vẫn còn một số cái chết của loài cá voi này chưa rõ nguyên nhân.
Rulli nói: "Điều này đã thu hút sự chú ý của chúng tôi và chúng tôi cần hiểu rõ hơn về những gì đang diễn ra. Tầm quan trọng của việc điều tra cái chết của cá voi là để tìm ra bức tranh lớn hơn đằng sau những vụ việc này".
Theo Trung tâm động vật có vú biển của Mỹ, cá voi xám là một trong những loài cá voi thường thấy nhất ở California. Chúng di cư lên phía bắc vào tháng Tư và tháng Năm từ nơi sinh sản của chúng ở Baja California, Mexico đến nơi kiếm ăn ở tận Alaska. Chúng sẽ bơi trở lại phía nam vào khoảng tháng 12 và tháng 1 năm sau.
Các chuyên gia của Trung tâm cũng cho biết, số lượng cá voi tăng lên đáng kể ở Vịnh San Francisco vào mùa xuân này. Nhưng một số cá thể trong "tình trạng cơ thể suy yếu", có thể "do điều kiện đại dương bất thường" đã góp phần "thay đổi nguồn thức ăn" khiến một số con vật kiệt sức, ốm yếu.
Khi trưởng thành, những con cá voi xám có thể dài tới 14 mét và nặng tới 40 tấn. Cá voi xám từng có nguy cơ tuyệt chủng. Số lượng của chúng đã tăng lên khoảng 26.000 cá thể và đã được đưa ra khỏi Danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng vào năm 1994.