Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân không hoàn toàn do "thần hồn nát thần tính".
Những câu chuyện trùng hợp đến khó tin
Ông Nguyễn Cung Hà, chuyên viên Bộ môn Cận Tâm lý, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng Con người cho hay, những trường hợp nhà được làm trên nền đình, chùa, miếu mạo, nghĩa trang... thì ông "vẫn gặp thường xuyên". Cũng theo ông Hà, kết cục của những người sống trong ngôi nhà đó "đều na ná".
Để chứng minh cho nhận định trên, ông Hà trích dẫn vài câu chuyện. Theo đó, một gia đình ở Hà Nam mua được ngôi nhà mới. Thế nhưng, chuyển về ở chưa được bao lâu thì trong nhà xảy ra nhiều chuyện không hay. Vợ chồng thường xuyên cãi lộn, đánh nhau; đứa con lớn đi đường bị tai nạn xe máy; chăn nuôi gà lợn đều bị dịch bệnh chết hết... Một hôm, đứa con út trong nhà bị ốm, lúc tỉnh lúc mê, luôn lảm nhảm rằng dưới nền nhà có một ngôi mộ, phải đào lên chuyển ra nơi khác. Sau, người ta đào lên theo chỉ dẫn của đứa con thì đúng là có một cái tiểu trong nhà.
Một câu chuyện khác ở chính làng ông Hà, khi nhà làm trên nền đình cũ đã bị phá từ những năm 60 của thế kỷ trước. Gia đình ấy gặp tai ương liên tiếp: Người cha thì thắt cổ tự tử, con trai cả bị tai nạn xe máy rồi mất, người vợ hóa điên sau những tai họa xảy ra.
TS, Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng Con người kể lại một câu chuyện mà chính ông đã về tận nơi nghiên cứu, thực nghiệm.
Theo đó, vào khoảng tháng 3/2002, ông nhận được tin một ngôi nhà có 7 người chết liên tục và hiện bỏ hoang, không ai dám ở. Đã có nhiều nhà khoa học địa chất, hóa học, y khoa về tìm hiểu nhưng vẫn chưa có kết quả thuyết phục. Qua tìm hiểu, thực nghiệm thì có một ngôi miếu mới bị phá đi, người trong nhà dựng nhà vệ sinh và khu chuồng lợn cạnh đó. "Cũng có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng tai họa của những người sống trên khu đất ấy cũng khiến các nhà khoa học thật sự lưu tâm", ông Phác nói.
Vậy, vì sao lại có sự trùng hợp trong những câu chuyện nhà làm trên nền đình, miếu, nghĩa trang như thế?
Cận cảnh ngôi nhà 300 Kim Mã. |
Không ở yên nếu nhà có mộ bên dưới
TS, Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác cho biết, đến nay, khoa học đã thừa nhận sự tồn tại của vong hồn. Theo đó, không chỉ con người mà chính con vật, cây cỏ cũng có vong hồn. Đó là một dạng vật chất đặc biệt và "không phải ai cũng thấy được, trừ những người có giác quan thứ sáu - khả năng đặc biệt".
Trong Báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học 2010 - "Giả thiết, lý giải một số biểu hiện của vong dưới góc độ khoa học" (Bộ môn Cận tâm lý, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người, được Hội đồng khoa học nghiệm thu ngày 25/12/2010), GS.TS Phan Thị Phi Phi, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm cho rằng, linh hồn để ám chỉ "tổng năng lượng tồn dư của người chết".
Thượng tọa Thích Quảng Tùng lý giải: "Khi một người chết đi thì phần thể xác của họ tiêu mất nhưng phần tinh thần, phần năng lượng sinh học của họ là một dạng vật chất đặc biệt vẫn còn và lưu lại nơi họ chết, ở đất, đá, hoặc là xe cộ, cây cối...
Có những căn nhà do vong tiền chủ linh thiêng, người khác mua nhà đến ở. Về nhà đó ngày nào thì đau đầu, bệnh tật từ ngày đó... Nếu nhà có mộ phần bên dưới thì càng nguy hiểm. Người ta gọi là ám khí.
Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Cung Hà cho rằng, "trần sao âm vậy". Việc làm nhà trên nền miếu, nghĩa trang thì dù có di dời mộ đi nơi khác vẫn phải làm lễ, coi như để "thương lượng", xin phép người cõi âm. "Nếu không, phá miếu, mộ rồi làm nhà ở chẳng khác nào có người đến phá nhà bạn, ngang nhiên chiếm nhà bạn để làm nhà của họ. Thế nên, người ta sẽ không thể ở yên trong ngôi nhà đó được", ông Hà ví von.
GS Nguyễn Trường Tiến xác nhận: Có nơi di dời hài cốt đi rồi nhưng âm khí vẫn rất nặng. |
Hài cốt chuyển đi, khí âm vẫn còn
Dưới góc độ năng lượng vật lý, GS Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam cho rằng, con người phát ra năng lượng.
Ngay cả khi chết đi, nguồn năng lượng ấy vẫn còn và là năng lượng âm (khí âm). Đồng thời, trong lòng đất cũng có những trường năng lượng hoặc tốt, hoặc xấu. Nếu năng lượng tốt sẽ giúp con người sống ở đó được hiền hòa, mạnh khoẻ. Ngược lại, những nơi có năng lượng xấu, khí âm nặng sẽ khiến người ta mệt mỏi, hay mộng mị, bệnh tật, thậm chí nguy hại sức khoẻ. Những nơi như nghĩa trang sẽ phát khí âm rất lớn.
GS Nguyễn Trường Tiến cũng xác nhận, qua khảo nghiệm và thực tế đã chứng minh, có những nơi đã di dời hài cốt đi rồi nhưng khí âm vẫn còn nặng. Thừa nhận chuyện có vong hồn, ông khẳng định ấy là do vong vẫn ở lại. Do đó, khi làm nhà trên những khu đất từng có mộ thì con người sẽ gặp phải những chuyện không hay, ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Ông Nguyễn Mạnh Linh, Trưởng phòng Nghiên cứu phong thủy kiến trúc, Viện Quy hoạch & Kiến trúc đô thị (UAI), trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho hay, phòng của ông đã từng tiếp cận nhiều khu đất làm trên nền miếu, nghĩa trang ở góc độ đo năng lượng.
Theo đó, để xác định âm khí ở trên những khu đất này có lớn hay không, ông Linh cùng cộng sự phải dùng tới hai loại máy. Một loại máy của Việt Nam sản xuất, phát hiện được âm khí, dương khí. Một loại máy do Mỹ sản xuất sẽ phát hiện và đo được điện từ trường. Năng lượng mạnh sẽ phát ra điện từ trường lớn và ngược lại. Khi năng lượng âm càng lớn thì điện từ trường âm càng cao, nó sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ của con người. "Thông thường, trong những khu đất từng là nghĩa trang, chúng tôi đo được năng lượng âm rất lớn", ông Linh xác nhận.
Lý giải việc có những người cảm thấy ớn lạnh, rợn người, dựng tóc gáy khi đi vào trong khu nhà từng là nghĩa trang, ông Linh cho rằng, đó là tác động của năng lượng âm. "Tuy nhiên, không phải ai cũng có được những cảm nhận ấy", ông nói.
Từ đó, liên hệ đến ngôi nhà số 300 Kim Mã, cả ông Tiến và ông Linh đều cho rằng, việc người ta có cảm giác ngủ trong đó bị dựng giường, bước vào thấy rợn người là có cơ sở từ nguyên lý về năng lượng âm, dương và niềm tin vào sự tồn tại của vong hồn. "Đương nhiên, người không tin sẽ cho đó là chuyện nhảm nhí", ông Tiến nói.
"Đúng là năng lượng âm có tác động không tốt tới sức khoẻ con người. Ví như vào khu đất mà khí âm rất lớn, nhiều người sẽ có cảm giác mệt mỏi, bị ốm đau. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng khi đi vào trong số nhà 300 Kim Mã có cảm giác rợn người, lạnh sống lưng là vì yếu tố tâm lý, do họ đã được nghe kể nhiều chuyện không hay về ngôi nhà từ trước".
Ông Nguyễn Cung Hà