Hơn 20 năm qua, Qatar đã cố gắng trở thành một quốc gia có thể “tự tung, tự tác” trong khu vực và trên thế giới, kể từ khi Thái tử Hamad bin Khalifa giành quyền từ cha ông trong một cuộc đảo chính không đổ máu năm 1995. Hoàng tử trẻ trị vì Qatar hiện nay là Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani (37 tuổi), con trai thứ 4 của Tiểu vương Hamad bin Khalifa.
Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, 37 tuổi. (Nguồn: DW) |
Với nguồn dự trữ khí đốt vô tận và hãng truyền thông Al-Jazeera liên Arập, Qatar đã trở thành một đối thủ nặng ký ở Trung Đông. Qatar đã thể hiện vai trò vai trò mới bằng cách công kích các nhà cai trị của các nước Arập khác trong phong trào nổi dậy ”Mùa xuân Arập”. Nước Qatar nhỏ xíu cũng là một cái gai trong con mắt “người anh lớn” Ả-rập Xê-út.
“Cha đỡ đầu” của các thế lực “phản cách mạng”
Kiến trúc sư thực sự của động lực mới ở Vùng Vịnh chính là Muhammed bin Zayed Al Nahyan (56 tuổi) – Thái tử kế vị của Abu Dhabi và Phó Tổng tư lệnh tối cao của Các lực lượng vũ trang UAE.
Thái tử kế vị Abu Dhabi, Muhammed bin Zayed Al Nahyan (56 tuổi), Phó Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang UAE. (Nguồn: AbuDhabi2.com) |
Tương đối trẻ trong số các nhà cầm quyền của chế độ quân chủ Vùng Vịnh, Hoàng tử Abu Dhabi, Muhammed bin Zayed Al Nahyan, chính là cha đỡ đầu của tất cả “lực lượng phản cách mạng” ở các nước có “Mùa xuân Arập”. Bất kể ở Tunisia, Libya hay Ai Cập, các thế lực bảo thủ đều có thể tin tưởng vào hỗ trợ của Hoàng tử Muhammad bin Zayed. Do đó, lợi ích của ông đối nghịch với lợi ích của ban lãnh đạo Qatar, những người đỡ đầu cho tổ chức “Anh em Hồi giáo”.
Thái tử Vương quốc Abu Dhabi cũng có mối quan hệ tuyệt vời Tổng thống Mỹ Donald Trump và đã sử dụng mối quan hệ này để hỗ trợ một đồng minh đầy tham vọng trong khu vực là Phó Thái tử kế vị Muhammad bin Salman Al Saud của Ả-rập Xê-út. Muhammad bin Salman muốn trở thành nhân vật quyền lực bao trùm ở Ả-rập Xê-út “càng sớm càng tốt” để cuối cùng có thể trở thành người kế nhiệm cha mình là Quốc vương Salman. Cuộc khủng hoảng Qatar thực sự gắn liền với những cuộc đấu đá nội bộ trong Hoàng gia Saudi.
“Lươn ngắn chê trạch dài”
Có một điều chắc chắn, Qatar cũng không hề kém cạnh. Tiểu vương quốc Qatar tiếp tục hỗ trợ một số nhóm cực đoan trong các xung đột khu vực như Mặt trận Al-Nusra vốn là chi nhánh của mạng lưới khủng bố Al Qaeda ở Syria. Và các nhà lãnh đạo Qatar cũng không mặn mà với các giá trị dân chủ: cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức lần cuối ở Qatar vào năm 1970 và các đảng chính trị hiện bị cấm hoạt động.
Phó Thái tử kế vị Muhammad bin Salman Al Saud của Ả-rập Xê-út, 32 tuổi. (Nguồn CNBC.com) |
Thật nực cười, khi Ả-rập Xê-út cáo buộc Qatar “hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố”. Trong suốt 60 năm qua, Ả-rập Xê-út vốn là “nước xuất khẩu tư tưởng cực đoan” lớn nhất thế giới và từng gây bất ổn cho nhiều khu vực trên toàn cầu - bao gồm cả các khu vực Caucasus, Balkan và Tây Âu. Bất kể đối với Al Qaeda, Taliban, các nhóm thánh chiến Hồi giáo ở Syria, Iraq… hay đơn giản các nhà thờ Hồi giáo cực đoan, các “đồng tiền dầu lửa” của Riyadh đã thúc đẩy việc phổ biến Wahhabism - một dòng của Hồi giáo không khoan dung đối với những kẻ “dị giáo” và không ngần ngại sử dụng bạo lực cực đoan nếu cảm thấy cần phải làm như vậy.
Đạo luật chống lại tài trợ khủng bố (JASTA), do Quốc hội Mỹ thông qua, cho phép các nạn nhân khủng bố kiện các nhà nước tài trợ khủng bố, phần lớn là do vai trò của Ả-rập Xê-út trong các vụ tấn công khủng bố ở nước Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001.