Các nhà khoa học ủng hộ và góp ý cho Dự án Cần Giờ

Các nhà khoa học cho rằng dự án Khu đô thị Du lịch lấn biển Cần Giờ sẽ tạo bước đột phá mới cho Tp. Hồ Chí Minh.

Ngày 22/10, tại Tp. Hồ Chí Minh, gần 40 nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu uy tín trên cả nước đã tham dự và đóng góp ý kiến tại hội thảo “Đề xuất phương án nghiên cứu khai thác vật liệu san lấp tại chỗ của Dự án Khu đô thị Du lịch lấn biển Cần Giờ”.

Các nhà khoa học cho rằng dự án sẽ tạo bước đột phá mới cho Tp. Hồ Chí Minh; đồng thời tư vấn, đề xuất những phương án thực hiện tối ưu cho dự án.

Hội thảo “Đề xuất phương án nghiên cứu khai thác vật liệu san lấp tại chỗ của Dự án Khu đô thị Du lịch lấn biển Cần Giờ” do Sở Khoa học và Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, nhằm ghi nhận ý kiến của các nhà khoa học để điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện đề cương nghiên cứu phương án khai thác vật liệu tại chỗ cho Dự án Khu đô thị Du lịch lấn biển Cần Giờ (gọi tắt là Dự án).
Cac nha khoa hoc ung ho va gop y cho Du an Can Gio
 Quang cảnh hội thảo.

Tham dự và đóng góp ý kiến tại hội thảo là các chuyên gia đầu ngành như: GS. TSKH Lê Huy Bá, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường (Đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh); PGS.TS Lương Văn Thanh, Nguyên Viện trưởng Viện kỹ thuật biển; PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; GS Lê Mạnh Hùng, Nguyên Giám đốc viện Khoa học thuỷ lợi Miền Nam; TS Đỗ Văn Lĩnh, Liên đoàn Bản đồ địa chất Miền Nam;...

Tại Hội thảo, đa số các ý kiến đều ủng hộ việc xây dựng Dự án và cho rằng Khu đô thị Du lịch lấn biển Cần Giờ sẽ tạo bước đột phá mới cho Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, ông ủng hộ Dự án này vì đã khơi thông được một sức sáng tạo mới, một bước đột phá, là bước nhảy cho Cần Giờ và cả Tp. Hồ Chí Minh.

“Đánh giá chung của tôi là dự án khá đồ sộ, quy mô và có sự thuyết phục rất lớn, làm rất kỹ càng. Không những Chính phủ đã phê duyệt, thông qua, những người trong tầng lớp khoa học cũng rất ủng hộ.”, GS. TSKH Lê Huy Bá đánh giá tại hội thảo.

Đối với việc nghiên cứu khai thác vật liệu san lấp tại chỗ phục vụ san lấp và cải tạo biển hồ, các nhà khoa học cũng nhận định, phương án này thực hiện tốt sẽ giải quyết được phần lớn nguồn vật liệu san lấp - vấn đề được dư luận quan tâm suốt thời gian qua.

Bên cạnh đó, phương án cải tạo biển hồ rộng có cảnh quan đẹp, độ sâu đủ lớn, nước trong với các bãi tắm nhân tạo độc đáo sẽ thu hút khách hàng trong và ngoài nước, mang lại nhiều lợi ích và tác động tích cực đến kinh tế - xã hội.

“Đề án khai thác vật liệu tại chỗ phục vụ san lấp và cải tạo hồ cho khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ là một đề xuất rất phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay, phù hợp với chủ trương của nhà nước về khuyến khích đầu tư, nghiên cứu nguồn vật liệu tại chỗ cho các dự án xây dựng.

Việc cải tạo, thu hồi vật liệu san lấp sẽ hạn chế được việc sử dụng cát từ nơi khác đến, chưa kể sẽ hình thành một hồ nước trong, sạch quanh năm phục vụ người dân thành phố và khách du lịch nước ngoài”, TS. Lương Văn Thanh – Nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật biển nêu ý kiến.

Để phương án được thực hiện tối ưu, một số nhà khoa học cũng lưu ý các vấn đề như đánh giá tác động môi trường kỹ càng, độ sâu nạo vét lòng hồ, xử lý bùn hữu cơ, trầm tích, bề mặt cấu trúc địa chất, tốc độ bồi lắng, vật liệu trầm tích của 2 con sông Soài Rạp và Lòng Tàu….

Theo đại diện Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ, nhu cầu vật liệu san lấp cho khu đô thị của Dự án cần khoảng 130 triệu m3 cát. Qua thăm dò địa chất, nếu khai thác vật liệu tại chỗ (trong lòng hồ với diện tích gần 800ha), thì tổng khối lượng cát khai thác dự kiến đáp ứng được phần lớn khối lượng này.

Để nghiên cứu, đánh giá phương án đề xuất, chủ đầu tư đã cùng đội ngũ các đơn vị tư vấn có năng lực, uy tín trong nước và trên thế giới như: Viện nghiên cứu Deltares (Hà Lan); Viện Môi trường và Tài nguyên – Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh; Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về Động lực học sông biển thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; … tổ chức lập Phương án nghiên cứu và đánh giá tính khả thi của việc kết hợp cải tạo biển hồ và khai thác vật liệu tại chỗ.

Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ cho biết, sẽ tiếp tục ghi nhận những góp ý của các nhà khoa học để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện đề án nghiên cứu khai thác vật liệu tại chỗ nhằm đưa phương án tối ưu nhất trong việc khai thác vật liệu san lấp tại chỗ tại Cần Giờ.

Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ tại huyện Cần Giờ, Tp. Hồ Chí Minh do Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư, xây dựng trên toàn bộ bãi triều Cần Giờ với một biển hồ nhân tạo rộng gần 800 ha. Trước đó, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt chủ trương đầu tư mở rộng Dự án lấn biển Cần Giờ từ 600ha lên 2.870ha.

Dự án nằm ở vị trí cách vùng lõi khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ khoảng 18 km về phía Bắc, nằm ngoài ranh giới diện tích đất lâm nghiệp và rừng ngập mặn; cách luồng hàng hải sông Soài Rạp khoảng 2,7km và sông Lòng Tàu là 4,5km.

Sai phạm của Sagri tại dự án Khu Sinh thái Văn hóa hồ Vĩnh Lộc

(Vietnamdaily) - Thanh tra TP HCM đã có thông báo kết luận thanh tra đối với dự án Khu Sinh thái Văn hóa hồ Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh, TP HCM).

Trong đó, có nội dung thanh tra pháp lý việc chuyển giao chủ đầu tư dự án từ Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) và một công ty cổ phần quốc tế.

Theo kết luận của Thanh tra TP HCM, đồ án quy hoạch chung Khu Sinh thái Văn hóa hồ Vĩnh Lộc được phê duyệt từ năm 1997, đến nay đã trên 23 năm và đã 3 lần đổi chủ đầu tư, nhưng dự án triển khai rất chậm, do có nhiều vướng mắc kéo dài, phải chờ ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và UBND TP trong qua trình chuyển đổi chủ đầu tư và điều chỉnh tỷ lệ góp vốn của các bên.

Do dự án có quy mô diện tích lớn trong khi điều kiện nguồn lực từ ngân sách còn hạn chế, không thể bố trí toàn bộ vốn để đầu tư, nên việc UBND TP HCM chấp thuận về chủ trương cho Sagri hợp tác để thành lập pháp nhân dự án, mời gọi đầu tư, huy động các nguồn lực bên ngoài ngân sách là phù hợp và cần thiết.

Tuy nhiên, trình tự, thủ tục pháp lý và quá trình thay đổi pháp nhân mới, việc điều chỉnh chủ trương liên quan tỷ lệ góp vốn bị kéo dài vì có sự chỉ đạo chưa thống nhất về điều chỉnh tỷ lệ vốn Nhà nước chi phối từ phía TP, các ý kiến khác nhau về tỷ lệ góp vốn giữa các bên có liên quan.

Do quyết định duyệt quy hoạch dự án từ năm 1997, đến năm 2017 có nhiều thay đổi giữa ranh quy hoạch được duyệt và ranh cấp đất của Thủ tướng Chính phủ, kênh giới, lộ giới theo quy định hiện hành có nhiều thay đổi cần thiết phải điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết sử dụng đất cho phù hợp.

Sagri chưa hoàn tất các thủ tục lập, trình duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, chưa lập dự án đầu tư trình duyệt theo quy định để được giao đất chính thức làm chủ đầu tư. Đồng thời Công ty Vĩnh Lộc chưa có quyết định công nhận chủ đầu tư, do đó không nộp hồ sơ sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai và các pháp luật liên quan tại Sở Tài nguyên và Môi trường. Đến nay, dự án vẫn chưa được lập quy hoạch chi tiết, tiến độ triển khai thực hiện quy hoạch 1/2000 chậm, chưa chọn đơn vị tư vấn..

Sai pham cua Sagri tai du an Khu Sinh thai Van hoa ho Vinh Loc

Dự án Khu Sinh thái Văn hóa hồ Vĩnh Lộc (TP HCM) kéo dài hơn 23 năm.

Theo cơ quan thanh tra, việc Sagri ký hợp đồng hợp tác số 12/HĐLD-TCT ngày 12/10/2007 với  đối tác trước khi có chỉ đạo của UBND TP HCM là không đúng trình tự, thủ tục và không đảm bảo tỷ lệ góp vốn của Nhà nước chiếm cổ phần chi phối, dẫn đến việc hợp đồng này không thể triển khai thực hiện. Sagri phải hoàn trả tiền tạm ứng giá trị lợi thế thương mại và 289,5 triệu đồng tiền lãi.

Sagri phải hoàn trả tiền tạm ứng giá trị lợi thế thương mại và 289,5 triệu đồng tiền lãi.

Liên quan tới vấn đề giá trị lợi thế thương mại, việc hợp tác giữa hai bên trên cơ sở góp vốn bằng tiền (không phải góp vốn bằng quyền sử dụng đất) và phần diện tích 221/277 ha chưa được cấp giấy chứng nhận, nên việc xác định giá trị lợi thế thương mại là không có cơ sở.

Mặt khác, Công ty Vĩnh Lộc chưa thực hiện góp vốn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập theo quy định, các giấy xác nhận góp vốn vào ngày 5, 6, 7 tháng 8/2009 là chưa đúng.

Trách nhiệm về các thiếu sót nêu trên thuộc lãnh đạo Sagri và các phòng, ban phụ trách vụ việc qua các thời kỳ.

Từ khi UBND TP chỉ đạo Sagri và các đơn vị liên quan thực hiện thủ tục pháp lý để hình thành pháp nhân mới với tỷ lệ góp vốn theo đề nghị của Văn phòng Thành uỷ, Sagri đã có nhiều văn bản mời Công ty CP Du lịch văn hoá Suối Tiên (Công ty Suối Tiên) tham gia.

Tuy nhiên, sau khi khảo sát dự án, do thấy còn nhiều vấn đề cần giải quyết, Công ty Suối Tiên và ông Đinh Văn Vui đã rút khỏi dự án, khẳng định không tham gia dự án mà không có văn bản hồi đáp, đến nay dự án bị bỏ ngỏ về việc thành lập pháp nhân mới.

Ngày 21/1/2011, UBND TP HCM ra Quyết định số 353/QĐ-UBND ngưng thực hiện dự án. Khi đó, Công ty Vĩnh Lộc không có đủ cơ sở pháp lý để tiếp tục huy động vốn từ ngân hàng, đối tác. Vì vậy Công ty Vĩnh Lộc chưa cung cấp được tài liệu chứng minh nguồn vốn triển khai dự án hiện nay. 

Ngoài ra, sau khi ký thoả thuận hợp tác, Sagri và một công ty chưa góp đủ vốn điều lệ vào Công ty Vĩnh Lộc theo thoả thuận. Thậm chí, số tiền 6 tỷ đồng của Sagri góp vốn vào Công ty Vĩnh Lộc là do Công ty trên cho vay. 

“Trong giai đoạn Sagri được giao làm chủ đầu tư dự án, Sagri không đủ tiềm lực để thực hiện dự án", Thanh tra TP HCM xác định. 

Đối với 11ha đất thuộc dự án đã được bồi thường nhưng không bàn giao theo ranh mốc giữa các đơn vị. Sau đó, Sagri tiếp nhận nhưng không cắm mốc quản lý và UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh cũng không quản lý mà do các hộ dân vẫn tiếp tục sử dụng, canh tác.

Qua làm việc, các cơ quan liên quan không cung cấp được các tài liệu, chứng từ liên quan đến việc quyết toán số tiền đã bồi thường, hỗ trợ cho 18 hộ dân.

Đồng Nai sắp có thêm khu nghỉ dưỡng hơn 19ha

(Vietnamdaily) - UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 điểm nghỉ dưỡng giải trí tại xã Phú Cường, huyện Định Quán.

Dự án có diện tích 19,2 ha, quy hoạch giáp mương suối, đường đất và đất trồng cây lâu năm. Gồm khu trung tâm điều hành dịch vụ, khu nghỉ dưỡng, khu cắm trại dã ngoại, vui chơi giải trí... dự án có thể đón 200 lượt khách /ngày thường và 1.000 lượt khách/ngày lễ. 

Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lê Sơn Thịnh, dự kiến thực hiện khoảng 3 năm (2020 - 2022).