Với quy mô cũng như tính chất đặc biệt của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, vốn được xem là cánh cửa mở ra thời kỳ hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên, sự kiện đặc biệt này thu hút nhiều sự quan tâm từ các nước trong khu vực nhất là khi nó có thể đưa Bắc Đông từ một điểm nóng xung đột trở thành trung tâm kinh tế mới của cả châu lục. Vậy các "ông lớn" đang mong chờ điều gì vào hội nghị thượng đỉnh lịch sử này?
Hàn Quốc
Theo Straits Times, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo, Tổng thống Moon Jae-in đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump sáng 11/6, một ngày trước khi thượng đỉnh Mỹ-Triều chính thức diễn ra.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Moon đã bày tỏ hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh sẽ diễn ra thành công, nhưng cho rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu của tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên kéo dài nhiều năm.
“Mối quan hệ thù địch từ lâu giữa hai miền Triều Tiên và vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng không thể được giải quyết chỉ trong một cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo (Mỹ-Triều). Đó là cả một quá trình, có thể kéo dài một năm, hai năm hoặc thậm chí lâu hơn”, Tổng thống Moon phát biểu.
“Tôi nhấn mạnh rằng chúng ta cần sự nỗ lực chân thành của Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ cũng như sự hợp tác của các nước liên quan khác cho đến khi hoàn thành quá trình đó”, nhà lãnh đạo Hàn Quốc nói thêm.
Tổng thống Moon Jae-in (giữa) hy vọng cuộc gặp giữa Tổng thống Trump (trái) và lãnh đạo Kim Jong-un sẽ diễn ra thành công. Ảnh: CNN. |
Trên thực tế, Tổng thống Hàn Quốc hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng về một kết thúc tốt đẹp của hội nghị thượng đỉnh này.
“Tổng thống Trump thể hiện quyết tâm muốn giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thông qua những hành động thiết thực của mình. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un thể hiện thiện chí trước cuộc gặp thượng đỉnh và ý định sẵn sàng giải trừ vũ khí hạt nhân thông qua hành động cụ thể, chẳng hạn như phá dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri”, Tổng thống Moon nói.
Trung Quốc
Trung Quốc – đồng minh và là đối tác thương mại chính của Triều Tiên – cũng rất quan tâm đến cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Theo Straits Times, Trung Quốc hy vọng thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ đạt được kết quả tích cực, đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên, nỗ lực hết sức để thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa cũng như đem lại hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
“Chúng tôi hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên sẽ thành công, đạt được kết quả tích cực và tiến thêm một bước hướng tới giải trừ hạt nhân và ổn định tình hình trên bán đảo Triều Tiên”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang trả lời khi được hỏi về phản ứng của Bắc Kinh trong trường hợp Mỹ-Triều có thể đạt được thỏa thuận chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters. |
Tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam (SCMP) đưa tin, Trung Quốc từng nhiều lần kêu gọi đối thoại trực tiếp Mỹ-Triều và dĩ nhiên rất hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh 12/6. Tuy nhiên, theo New York Times, giới phân tích cho rằng Bắc Kinh vẫn có nỗi lo lắng riêng về những kịch bản có thể xảy ra tại sự kiện lịch sử này.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng các lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy “bất an” về việc liệu họ có giữ được đồng minh Triều Tiên sau cuộc gặp Trump-Kim hay không. Điều Bắc Kinh lo sợ nhất là nhà lãnh đạo Kim có thể tìm cách chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách “kết thân” với Mỹ.
Và các chuyên gia nhận định, kết quả được Trung Quốc trông đợi ở cuộc gặp thượng đỉnh này là Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim cùng ký một hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, qua đó dọn đường cho việc Mỹ rút 28.500 binh sĩ đồn trú ở Hàn Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên toàn bộ bán đảo Triều Tiên.
Nga
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều vào ngày hôm nay là sự kiện thu hút sự quan tâm của cả thế giới và dĩ nhiên Nga nằm trong số đó. Từ trước đến nay, Moscow luôn cho rằng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên là điều cần thiết.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Getty. |
“Cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim là 'một bước đi trên con đường đúng đắn. Một thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên là cần thiết để bình thường hóa tình hình xung quanh bán đảo Triều Tiên”, AP dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi tháng 3/2018.
Mới đây, trên Bloomberg, Ngoại trưởng Lavrov cho biết, cuộc thảo luận về việc “giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên” cần đề cập đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt lên Triều Tiên và lộ trình phi hạt nhân hóa bán đảo nên được tiến hành theo từng bước.
Nhật Bản
Tối 11/6, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử.
Trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Abe bày tỏ mong muốn cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12/6 sẽ đánh dấu một bước tiến mới cho hòa bình và ổn định của khu vực Đông Bắc Á. Ông Abe cũng hy vọng cuộc gặp sẽ thành công thông qua việc thảo luận về vấn đề hạt nhân-tên lửa và công dân Nhật Bản bị bắt cóc.
Mời độc giả xem video: Tổng thống Trump gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Dinh Tổng thống Istana (Nguồn: Straits Times)
Singapore
Có thể nói, Singapore đang trở thành "trung tâm ngoại giao quốc tế" khi là nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim. Và dĩ nhiên, hơn ai hết, đảo quốc này cũng rất mong muốn hội nghị sẽ diễn ra tốt đẹp.
Được biết, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã có cuộc hội đàm riêng với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 10/6 và Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/6, ngay trước thềm thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Trong các cuộc hội đàm, Thủ tướng Lý Hiển Long chúc hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều sẽ đạt được thành công tại cuộc gặp thượng đỉnh và hy vọng đó sẽ là “bước đi đầu tiên trên con đường tiến tới hòa bình”.
“Mong đợi một kết quả tích cực”, nhà lãnh đạo Singapore viết trên trang Facebook cá nhân.