Cứ hoạt huyết dưỡng não là bổ não
Với cha mẹ của các sĩ tử chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học, ý tưởng về việc uống sản phẩm tăng cường trí não có vẻ khá hấp dẫn. Vì vậy, nhu cầu sử dụng sản phẩm “bổ não” - hay còn gọi là thuốc tăng cường trí nhớ hoặc thuốc thông minh - đang gia tăng.
Chị Vũ T.H.Thùy (35 tuổi, Tân Bình, TP HCM) chia sẻ, mấy tuần nay, chị dâu của chị cứ nghe ai mách loại thuốc nào tốt cho trí não là lùng mua về cho con trai sắp thi vào đại học uống để bổ não, tăng cường trí nhớ.
Còn anh Nguyễn V.Thắng (34 tuổi, Bình Tân, TP HCM) cho biết, đi mua thuốc bổ não cho cháu gái toàn được các nhà thuốc giới thiệu hoạt huyết dưỡng não.
“Tại tiệm thuốc Minh Châu, người ta giới thiệu cho tôi Ginkgo Kapseln, nhập khẩu từ Đức, có giá khoảng 290.000đ/hộp 60 viên. Thành phần của 1 viên tôi thấy có 50mg cao bạch quả. Ngoài ra, còn có sản phẩm Ginkgo Natto 180 của Vital Pharma với giá nguyên một hộp là 150.000đ”, anh V.Thắng cho biết.
Nhưng liệu các sản phẩm bổ não có hiệu quả không? Và chúng có an toàn không?
BSCKI Nguyễn Hữu Sơn, Phòng khám Tâm thần kinh và Rối loạn Giấc ngủ - Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM) chia sẻ, những sản phẩm được gọi là “bổ não” hiện thường bị lạm dụng nhất phải kể đến sản phẩm “hoạt huyết dưỡng não”.
Giá của các sản phẩm hoạt huyết dưỡng não rất nhiều cấp độ tùy vào sản xuất trong nước hay nhập khẩu, từ 300 - 400đ/viên đến mười mấy ngàn đồng/viên.“Tâm lý của người dân vẫn cho rằng hoạt huyết dưỡng não là tốt, tăng máu lên não, tăng trí nhớ, tăng phát triển tư duy… Nhưng thật ra, hoạt huyết dưỡng não mà Bộ Y tế khuyến cáo để được dùng, được kê toa chính thức là hoạt huyết dưỡng não được bào chế đúng quy chuẩn EGb 761”, BSCKI Nguyễn Hữu Sơn chia sẻ.
Theo các chuyên gia y tế và sức khỏe tâm thần, thành phần chính của các sản phẩm hoạt huyết dưỡng não được sản xuất từ cây bạch quả. Theo Đông y, bạch quả trị rất nhiều bệnh như hô hấp, bệnh tim mạch, tiêu hóa. Nhưng khi được bào chế để có tác dụng tăng cường hoạt động não như bên Tây y, bạch quả phải được bào chế đúng quy chuẩn.
Thuốc bổ não không tác dụng tốt trên người khỏe mạnh!
Một số thuốc hoặc thực phẩm chức năng hoạt huyết dưỡng não hay bổ não theo toa cho mục đích điều trị được Cục Quản lý Thực - Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận trong một số trường hợp như tăng động giảm chú ý (ADHD) hoặc bệnh Alzheimer có thể hữu ích.
Tuy nhiên, về mặt khoa học, PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP HCM khẳng định, không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy các sản phẩm tăng cường trí nhớ hoặc bổ não ở những người khỏe mạnh hiện đang có trên thị trường có hiệu quả.
Vì thế, theo PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, FDA cho rằng, các quảng cáo như “bổ não”, “tăng tuần hoàn não”, “cải thiện trí nhớ” hay “tăng khả năng tập trung”… là “không hợp pháp”.
Ginkgo biloba chủ yếu dành cho người cao tuổi, người bị tổn thương mạch máu não. Về mặt cơ học, hoạt chất này giúp mạch máu giãn ra, giảm độ nhớt của máu, dòng máu lưu thông tốt hơn, tăng tuần hoàn não.
Còn ở thanh thiếu niên, người trẻ, Ginkgo Biloba không có cơ chế như vậy, nên sẽ không tác dụng đối với bổ não, tăng cường trí nhớ. Do vậy, các sản phẩm bổ não thật sự không hữu ích đối với thanh thiếu niên, học sinh.
Theo PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, trong chế độ ăn bình thường và đa dạng nhóm thực phẩm, chúng ta đã có thể thu nạp đủ vitamin. Vitamin do đó không có vai trò đặc hiệu trong việc cải thiện trí não một cách tốt nhất đối với người trẻ với tình trạng sức khỏe bình thường.
Ngoài Ginkgo biloba, một số sản phẩm bổ sung có chứa Bacopa Monnieri và được cho rằng bổ não. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên thế giới chưa được chứng minh đầy đủ về hiệu quả bổ não của hoạt chất từ cây rau đắng biển.
Cẩn trọng khi dùng các sản phẩm bổ não, tăng cường trí nhớ
Nói chung, khi dùng các chất bổ sung như Ginkgo biloba hay Bacopa monnieri, nhiều nhà khoa học cũng rất ngần ngại.
PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng giải thích, không chỉ ít có hiệu quả trong bổ não hay tăng cường trí nhớ, mà trong quá trình chế biến hay chiết xuất, nhiều chất khác bị sản sinh ra hoặc chưa được làm sạch, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ví dụ, trong quá trình chiết xuất Ginkgo biloba từ cây bạch quả, ngoài những thành phần có thể có lợi, axit ginkgolic gây độc có thể xuất hiện.
Axit ginkgolic là chất có độc tính, nếu không được xử lý tốt có thể gây tổn thương các tế bào thần kinh.
Tác dụng phụ của Ginkgo biloba hay sản phẩm hoạt huyết dưỡng não mà nhiều người ít để ý, theo BSCKI Nguyễn Hữu Sơn, nếu lạm dụng trong thời gian dài, đặc biệt trên bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết như sốt xuất huyết giảm tiểu cầu, xuất huyết não hay nguy cơ xuất huyết não.
Đã có bằng chứng cho thấy người sử dụng các sản phẩm bổ não, hoạt huyết dưỡng não bị xuất huyết não. Người ta từng có nghiên cứu và chụp hình ảnh cho thấy người sử dụng các sản phẩm bổ não lâu ngày bị xuất huyết dưới màng cứng. Hoạt huyết dưỡng não, thuốc bổ não chống chỉ định cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Theo BSCKI Nguyễn Hữu Sơn, có sản phẩm bổ não được bào chế dưới dạng thảo dược Đông y, giá thành rẻ, có những sản phẩm dạng thực phẩm chức năng hoặc kết hợp với nhiều hoạt chất của Tây y và hàm lượng Ginkgo biloba cũng khác nhau… Đơn cử như Ginkgo biloba trong Ckolin (Pháp) là 300mg cộng với nhiều thành phần khác. Còn trong các sản phẩm hoạt huyết dưỡng não của Việt Nam, Ginkgo biloba thường chỉ có 40mg, 80mg hoặc 120mg.Áp lực việc học cũng có thể làm suy giảm trí nhớ
BSCKI Nguyễn Hữu Sơn, Phòng khám Tâm thần kinh và Rối loạn Giấc ngủ - Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM) khuyến cáo, trẻ vị thành niên thường gặp nhiều vấn đề đến từ áp lực của việc học, bố mẹ kỳ vọng nhiều quá.
Đừng thấy con học miệt mài mà nghĩ là tốt. Cha mẹ cần tạo không gian và thời gian cho trẻ cân bằng lại. Học quá nhiều, quá căng thẳng, mất ngủ, não bộ không được nghỉ ngơi, phục hồi, sa sút, giảm trí nhớ.
BSCKI Nguyễn Hữu Sơn đang tư vấn cho một khách hàng tại Phòng khám Tâm thần kinh và Rối loạn Giấc ngủ - Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TPHCM) |
Việc học vì thế kém hiệu quả, trẻ học chỉ để đối phó và không thu nhận được kiến thức.
Những triệu chứng cảnh báo trẻ đang suy kiệt, giảm hiệu quả học tập, giảm trí nhớ… theo BSCKI Nguyễn Hữu Sơn, trẻ đột nhiên ít nói hơn, chậm chạp, không thích tiếp xúc với người khác kể cả người thân trong gia đình hay bạn bè, ít cười, kết quả học tập đột nhiên tụt dốc, ngại không thích đi học, mất ngủ, rối loạn ăn uống.
Khi đó, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám các bác sĩ chuyên khoa tâm lý hay tâm thần kinh để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, kể cả trẻ nghĩ đến vấn đề tử tự.
(Nguồn: THĐT)