Cách dùng trà ngừa ung thư nội mạc tử cung hoàn hảo
(Kiến Thức) - Tiêu thụ lượng lớn flavonoid, chất chống oxy hóa trong trà góp phần giảm nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung lên tới 31%.
Hải Yến (theo Foxnews, tổng hợp)
Xem toàn bộ ảnh
U nội mạc tử cung là loại ung thư gây tử vong phổ biến thứ năm ở phụ nữ. Giống như nhiều loại ung thư khác, các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh. Dù vậy bằng cách hấp thụ flavonoid có nhiều trong trà, bạn có khả năng ngăn ngừa đáng kể nguy cơ mắc bệnh.
Nhận định trên được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Mỹ. Để đưa ra kết luận này, các nhà khoa học từng tiến hành theo dõi thói quen ăn uống hơn 170.000 phụ nữ trong vòng 30 năm. Số liệu cho thấy, chị em thường xuyên thưởng thức một vài tách trà đen mỗi ngày có khả năng giảm tới 31% nguy cơ mắc bệnh.
Hiện giới chuyên môn chưa nắm bắt được cơ chế chính xác flavonoid ngăn ngừa ung thư. Theo giáo sư Aedin Cassidy đến từ Đại học East Anglia: Flavonoids là chất chống viêm mạnh. Khi đi vào cơ thể, flavonoids có thể dễ dàng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Các nhà khoa học khuyến khích chị em uống trà nhằm ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh. Ung thư nội mạc tử cung đặc biệt nguy hiểm bởi nó ít có dấu hiệu đặc trưng để nhận biết sớm. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân chỉ đạt 44%.
Tuy nhiên, khi thưởng thức loại đồ uống này, chị em cần chú ý không nên uống quá nhiều trà đặc. Nguyên nhân bởi trong trà đặc chứa nhiều chất nhu, ảnh hưởng xấu tới tiêu hoá (làm loãng dịch vị; khiến niêm mạc dạ dày co lại; làm chất protein trở nên rắn và lắng xuống).
Bên cạnh đó, chất nhu còn làm giảm khả năng hấp thụ sắt, vitaminh B1 trong cơ thể. Nếu kéo dài sẽ sinh bệnh thiếu máu do thiếu sắt và thiếu vitamin B1.
Không uống trà ngay sau bữa ăn. Khi xuống dạ dày, chất tanin trong trà sẽ làm cho protein trong thức ăn trở nên cứng. Hơn nữa, nước trà cũng ức chế sự hấp thụ chất sắt. Vì vậy, hãy uống trà sau khi ăn khoảng 30 phút.
Không uống lúc đói. Các nhà khoa học cảnh báo, không nên uống trà trong lúc đói bởi nó khiến bạn dễ rơi vào tình trạng cồn cào, nôn nao, khó chịu, hoa mắt, chóng mặt…
Không uống trà quá nóng. Việc uống trà quá nóng dễ làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học Iran phát hiện việc thưởng trà ở nhiệt độ trên 70 độ C làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao hơn tám lần so với việc uống trà ấm ở mức nhiệt dưới 65 độ C.
Rất có thể, việc lặp đi lặp lại một nhiệt độ cao ở niêm mạc cổ họng đã tạo cơ hội cho các tế bào ung thư sinh sôi, phát triển.