Thủ tướng ra Chỉ thị: Cách ly trên phạm vi cả nước trong 15 ngày

(VietnamDaily) - Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 00h ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã...

Theo đó, Nội dung Chỉ thị cách ly toàn xã hội từ ngày mai (1/4) như sau:
Dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát trên phạm vi toàn cầu làm trên 72 vạn người mắc, gần 3,5 vạn người tử vong ở trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ở Việt Nam, số ca mắc đang tăng nhanh từng ngày và có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng. Dự báo, dịch bệnh sẽ lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước.
Thu tuong ra chi thi: Cach ly tren pham vi ca nuoc trong 15 ngay
 Thủ tướng ra chỉ thị cách ly toàn xã hội kể từ 00h ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc.
Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, với tinh thần coi trọng sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, để tiếp tục chủ động ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung cao độ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đã đề ra, nhất là Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020, tuân thủ các chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện có hiệu quả các biện pháp cấp bách sau:
1. Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng; người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.
2. Bộ Y tế, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phải thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các “ổ dịch” tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Quán bar Buddha (thành phố Hồ Chí Minh); tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết, áp dụng các biện pháp phù hợp đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ, tiếp xúc với người bệnh, người qua lại “ổ dịch”; tiếp tục kêu gọi người dân đã qua lại các “ổ dịch” này khai báo y tế và yêu cầu liên hệ để được xét nghiệm. Yêu cầu Bộ Công an phối hợp với ngành y tế lập danh sách những người liên quan đến các hoạt động của Công ty Trường Sinh có nguy cơ lây nhiễm để theo dõi y tế, giám sát, cách ly, xử lý nhanh triệt để các nguồn lây dịch bệnh.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan phối hợp chặt chẽ với các Bộ và 2 Thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ này. Thực hiện cách ly tại gia đình, khai báo y tế để phân loại, xét nghiệm và cách ly tập trung nếu cần thiết đối với người đã qua lại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12 tháng 3 năm 2020; giao chính quyền cơ sở tổ chức giám sát chặt chẽ tại từng gia đình.
Bộ Công an và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục khẩn trương thực hiện rà soát, kiểm tra y tế, cập nhật tình hình sức khỏe của những người đã nhập cảnh từ ngày 8 tháng 3 năm 2020 nhưng chưa áp dụng cách ly; lập danh sách những người đã tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần để phân loại sàng lọc, áp dụng biện pháp cách ly phù hợp (cách ly tập trung, tại nhà, cơ sở lưu trú).
3. Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở; tăng cường tổ chức họp trực tuyến. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.
4. Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.
5. Giao Bộ Y tế:
a) Chỉ đạo các bệnh viện thực hiện các quy trình và quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện; kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu kê khai y tế bắt buộc đối với bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân; mỗi một bệnh nhân chỉ được một người chăm sóc; dừng việc thăm bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Có quy định chặt chẽ về tiếp nhận bệnh nhân, không để một cá nhân lây nhiễm làm ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ bệnh viện.
b) Đề xuất cụ thể cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất trang thiết bị, dụng cụ y tế, đặc biệt là máy thở, máy theo dõi bệnh nhân, máy truyền dịch, máy lọc máu, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.
c) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ các phương án, kịch bản và khả năng ứng cứu đối với trường hợp khẩn cấp về dịch vào chiều ngày 31 tháng 3 năm 2020.
d) Tổ chức, sắp xếp việc tiếp tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế và nhân dân theo đề nghị của Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế.
đ) Xem xét, xử lý các kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Hà Nội kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.
6. Bộ Y tế tổng hợp và định kỳ công bố 2 lần/ngày kết quả xét nghiêm dương tính ở các địa phương, bảo đảm chính xác.
7. Tạm thời đóng cửa các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ dành cho người qua lại từ 00 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020 trên tuyến biên giới với Lào và Campuchia. Kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế trên các tuyến biên giới đường bộ; tất cả người nhập cảnh từ Lào, Campuchia đều phải cách ly tập trung 14 ngày.
8. Bộ Quốc phòng chỉ đạo tổ chức, sắp xếp, mở rộng các cơ sở cách ly tập trung, tách bạch các trường hợp mới cách ly và đang cách ly, không để lây chéo; tăng cường quản lý đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới.
9. Bộ Công an tăng cường chỉ đạo việc bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, nhất là đối với vùng nông thôn.
10. Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan xử lý các vướng mắc trong xuất khẩu khẩu trang vải; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh COVID-19.
11. Các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền ủng hộ chủ trương bảo vệ sức khỏe của nhân dân, chấn chỉnh một số báo rút tít gây hoang mang, hiểu nhầm. Người chịu trách nhiệm phòng, chống dịch không phát ngôn gây hoảng loạn trong nhân dân.
12. Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các địa phương chú ý bảo đảm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân.

Quảng Bình cách ly 9 người tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 về từ Thái Lan

(Vietnamdaily) - Những trường hợp này đều tiếp xúc gần với bệnh nhân số 166 được xác định mắc Covid-19, hiện đang được cách ly y tế và theo dõi chặt sức khỏe.
 

Chiều 30/3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Bình ngành Y tế và các đơn vị liên quan đã phát hiện 9 trường hợp, trong đó 7 trường hợp tiếp xúc gần (F1) với người mắc Covid-19 (bệnh nhân số 166). 

Quang Binh cach ly 9 nguoi tiep xuc voi benh nhan Covid-19 ve tu Thai Lan
Cơ quan chức năng đang khám sức khỏe, lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp bị cách ly 
Lực lượng chức năng đã lập tức tiến hành cách ly y tế 8 trường hợp tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy để theo dõi sức khỏe. Trường hợp còn lại được cách ly y tế tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: Sẽ hỗ trợ người lang thang cơ nhỡ, vô gia cư

(Vietnamdaily) - Trong cuộc họp chiều 30/3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, sẽ lập danh sách những người lang thang cơ nhỡ, vô gia cư để lên phương án hỗ trợ.

Trong buổi họp giao ban trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 30/3, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, mới đây Chính phủ vừa yêu cầu dừng một số dịch vụ xổ số, khiến một bộ phận không nhỏ người bán vé số gặp khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, ông Phong cho biết, Sở LĐ-TB&XH sẽ chuẩn bị các cơ sở lưu trú, rà soát những người lang thang cơ nhỡ, vô gia cư tại thành phố để lập danh sách, lên phương án hỗ trợ những người này.

"Từ trước đến nay họ sống nhờ vào tiền hoa hồng bán vé số, thậm chí tiền đó họ còn gửi về để nuôi gia đình. Bây giờ trong hoàn cảnh này họ rất khó khăn, chúng ta nên có những sự chia sẻ đối với họ", ông Phong cho biết thêm.
Chu tich Nguyen Thanh Phong: Se ho tro nguoi lang thang co nho, vo gia cu
 Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chủ trì buổi giao ban. Ảnh: Trung tâm báo chí. 
 Đối với những người trên 60 tuổi buộc phải ở nhà toàn thời gian, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các các quận, huyện xem xét chính sách hỗ trợ, đặc biệt là đối với việc mua thực phẩm. Các phường, xã lập danh sách những người trên 60 tuổi neo đơn, và qua đoàn thanh thiên xung phong để hỗ trợ mua hàng hoá giúp những người này.

Trong khi đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Nghị quyết của HĐND TP.HCM hỗ trợ cho người mất thu nhập do dịch sẽ làm giảm tương đương khoảng 25% tổng thu nhập của TP.HCM dành cho người mất lao động.

"Tôi vừa nhận được một tin nhắn của một giảng viên gợi ý thành phố nên hỗ trợ người vô gia cư. Những người này không được chăm sóc sẽ dễ là nguồn lây nhiễm. Tôi cũng chuyển cho chủ tịch thành phố tin nhắn này và chúng tôi sẽ bàn chuyện giúp người vô gia cư như thế nào. Đây là việc chưa từng có nhưng trong mùa dịch này cũng là chuyện nên bàn", ông Nhân nhấn mạnh.

Ngoài chuẩn bị phương án hỗ trợ cho người vô gia cư, trong cuộc họp giao ban chiều 30/3, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị các cơ quan, ban ngành dừng ngay các cuộc họp không cần thiết, tập trung chống dịch.

Ngoài ra, ông Phong cũng yêu cầu xử lý nghiêm những thông tin gây hoang mang dư luận. "Ví dụ như văn bản Sở TNMT vừa qua, tôi khẳng định thành phố không có chủ trương, không chỉ đạo Sở TNMT ban hành văn bản này. Thành phố đã phê bình Sở, đề xuất kỷ luật cá nhân liên quan. Tôi cũng nhận được báo cáo của Sở nhưng tôi chưa chấp nhận vì báo cáo chưa giải quyết triệt để vấn đề. Tôi sẽ làm việc lại với lãnh đạo Sở này", ông Phong nhấn mạnh.