Cách pháo binh Ukraine trốn những đòn phản kích từ Nga
Ukraine từng thừa nhận, mỗi phát đạn pháo họ bắn ra, sẽ bị phản kích lại từ 10 tới 15 viên đạn pháo từ phía quân Nga với độ chính xác cực kỳ cao.
Trần Trân
Xem toàn bộ ảnh
Kênh thông tin Rusvesna của Nga vừa tiếp tục cho đăng tải những hình ảnh về lựu pháo M777 của Ukraine bị phá hủy trên chiến trường.
Có thể thấy, mặc dù rất nỗ lực né tránh những đòn phản kích từ pháo binh Nga, nhưng phía Ukraine vẫn ít nhiều hứng chịu thiệt hại trong những trận đấu pháo đơn lẻ.
Quân đội Ukraine từng lên tiếng xác nhận, việc hỏa lực của lực lượng này tỏ ra thua thiệt nhiều so với phía Nga, khẳng định rằng Moscow có hỏa lực pháo binh gấp từ 10 tới 15 lần Kiev.
Để đối phó với việc bị phản kích trên chiến trường, quân đội Ukraine đã tận dụng triệt để lợi thế "sân nhà", áp dụng chiến thuật "hỏa khí phân tán - hỏa lực tập trung", để giảm tối đa thiệt hại khi bị Nga phản kích.
Cụ thể, các tổ hợp pháo có độ cơ động kém như M777, sẽ chỉ đi thành từng tốp nhỏ với 2 hoặc 3 khẩu pháo hợp thành một trận địa. Nhiều trận địa pháo sẽ đồng loạt khai hỏa nhắm vào một mục tiêu, đảm bảo mật độ hỏa lực đủ để áp chế đối phương, nhưng cũng đủ độ phân tán để tránh bị phản kích.
Với lợi thế sân nhà, pháo binh Ukraine có thể sử dụng những tuyến đường mòn, những con đường không có trên bản đồ, để tìm kiếm những địa điểm đặt trận địa pháo phù hợp, tránh được tai mắt của máy bay trinh sát Nga.
Với những loại hỏa lực có độ cơ động cao hơn như pháo tự hành hay đặc biệt là pháo phản lực phóng loạt, phía Ukraine sẽ di chuyển liên tục, để tránh tối đa việc bị trinh sát Nga phát hiện.
Trên thực tế, thiệt hại trong xung đột là điều rất khó tránh khỏi, các biện pháp được Ukraine sử dụng, cũng chỉ để giảm thiểu tối đa thiệt hại, xuống mức "chấp nhận được".
Việc cạn kiệt các loại đạn pháo theo tiêu chuẩn Liên Xô, đã khiến Ukraine phải chuyển sang sử dụng vũ khí theo chuẩn NATO, nhưng viện trợ từ phương Tây có phần nhỏ giọt, chưa thể đáp ứng đủ cường độ hỏa lực trên chiến trường.
Trong khi đó, Nga đang sở hữu lực lượng pháo binh được coi là "mạnh nhất thế giới", với hàng loạt các loại pháo phản lực, pháo kéo và pháo tự hành cực kỳ hiện đại.
Quan trọng nhất, Moscow có thể tự chủ nguồn cung vũ khí cho chính mình, trong khi đó, Ukraine hoàn toàn dựa dẫm vào nước ngoài.
Trong một cuộc xung đột mang tính tiêu hao kéo dài như ở Ukraine, việc tự cung tự cấp được vũ khí, trang thiết bị là yếu tố tiên quyết.
Trong khi đó, việc dựa dẫm vào yếu tố viện trợ từ nước ngoài sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt là nếu cuộc chiến tiếp tục kéo dài, không có gì đảm bảo bản thân NATO và phương Tây, có thể viện trợ mãi cho Kiev nếu cuộc xung đột tiếp tục kéo dài.