Các ĐBQH hôm nay nghe báo cáo của đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, sau đó thảo luận ở hội trường.
Cải cách hành chính nhà nước đã được triển khai hàng chục năm qua, nhưng lần đầu tiên QH thực hiện hoạt động giám sát ở lĩnh vực này, đặt trọng tâm vào giám sát cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
Đây là tín hiệu đáng mừng vì QH, với vị trí là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất vào giám sát mảng công tác này, đương nhiên sẽ chỉ ra nhiều vấn đề cần giải quyết, đồng thời cũng tạo cho cơ quan hành chính từ Chính phủ tới các cấp hành chính những áp lực nhất định trong hoạt động cải cách của mình theo hướng bộ máy tinh gọn hơn, người ít đi mà vẫn phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp.
Vẫn ở giai đoạn tách, nhập
Báo cáo giám sát đã khẳng định những nỗ lực và kết quả của Chính phủ trong chỉ đạo thực hiện công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính giai đoạn 2011-2016.
Tuy nhiên, cái quan trọng hơn là qua giám sát đã thấy rõ một số vấn đề buộc phải suy nghĩ, thậm chí cần thay đổi cách nghĩ, cách làm suốt thời gian qua trong xây dựng và phát triển tổ chức bộ máy hành chính thời gian tới.
Một là, mấy chục năm qua, chúng ta vẫn loay hoay với sắp xếp tổ chức bộ máy, nhập bộ này, tách bộ kia, bao nhiêu bộ là vừa. Tương tự là cho bộ máy ở địa phương.
|
Ảnh minh họa: Hoàng Long. |
Nói cách khác, ta vẫn đang ở giai đoạn 1 của tổ chức, giai đoạn tách nhập, trong khi thiên hạ đã sang giai đoạn 2 từ quá lâu rồi, tức là giai đoạn làm thế nào để tổ chức hoạt động tốt hơn, sử dụng nguồn lực hợp lý nhất để mang lại kết quả lớn nhất. Thường xuyên thay đổi tổ chức đến mức người đứng đầu Chính phủ trong lễ khai giảng của Học viện Hành chính quốc gia mới đây đã phải khẳng định Chính phủ sẽ không chia tách hay sáp nhập Học viện.
Hai là, QH nhận một phần trách nhiệm về tình trạng bộ máy như vậy. Đương nhiên trách nhiệm lớn thuộc Chính phủ.
Báo cáo giám sát chỉ rõ thể chế về tổ chức bộ máy hành chính có phần kém chất lượng, còn tình trạng thông qua luật, pháp lệnh không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhưng lại chứa đựng các vấn đề tổ chức mà không có sự phân tích, đánh giá kỹ tác động của chúng khiến cho bộ máy cũng phình ra, người nhiều thêm. Chỉ rõ câu chuyện này đã hàm ý trong tương lai QH sẽ phải xử lý thích ứng vấn đề này ra sao.
Ba là, vấn đề thẩm quyền của QH và Chính phủ trong quyết về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Thoạt nhìn có vẻ rất rõ ràng, không chồng chéo và ổn thỏa. QH quyết cơ cấu tổ chức Chính phủ, có nghĩa là QH quyết Chính phủ có bao nhiêu bộ, cơ quan ngang bộ, tên các bộ, cơ quan ngang bộ đó là gì.
Vấn đề còn lại thuộc thẩm quyền Chính phủ, có nghĩa là bộ này phụ trách 5 lĩnh vực, bộ kia phụ trách 7 lĩnh vực... là do Chính phủ định và giả sử nếu muốn, Chính phủ dễ dàng chuyển lĩnh vực vốn do bộ này phụ trách sang cho bộ khác cũng không có vấn đề gì trái pháp luật. Đây là điểm cần xem lại khi QH thông qua nghị quyết về cơ cấu tổ chức Chính phủ.
Tương tự là thẩm quyền quyết cơ cấu bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ. Theo quy định hiện hành, Chính phủ quyết toàn bộ câu chuyện này: Từ có phòng trong vụ không, bao nhiêu vụ, cục, tổng cục trong bộ cho đến các sở ở tỉnh, các phòng ở huyện. Đấy là chưa kể các tổ chức sự nghiệp thuộc Chính phủ như BHXH Việt Nam.. đều thuộc thẩm quyền quyết về tổ chức của Chính phủ.
Một tổ chức như tổng cục mới ra đời là chuyện đại sự, phải cân nhắc nhiều lẽ. Vì vậy, nên xem lại kinh nghiệm trước đây khi thẩm quyền quyết định lập mới, giải thể hoặc tổ chức lại cơ quan thuộc Chính phủ thuộc Ủy ban Thường vụ QH. Rồi kể cả thẩm quyền quyết lập tổng cục và tương đương trong bộ. QH có cần biết, cần nghe và chí ít có ý kiến loại vấn đề này không nhỉ? Lợi ích nhóm trong kinh tế rất dễ dẫn đến lợi ích nhóm trong thiết kế tổ chức và trong bố trí cán bộ lãnh đạo.
Thẩm quyền quyết biên chế
Bốn là thẩm quyền quyết biên chế. Biên chế hiện tại đang được quyết theo các hệ: Hệ Đảng, đoàn thể; hệ hành chính nhà nước và hệ QH. Điều kỳ lạ trong cái quyết này là ông quyết tiền cứ quyết, ông quyết biên chế cứ quyết. QH quyết ngân sách trung ương, nhưng không quyết bộ này bao nhiêu người, bộ kia bao nhiêu người. Mà suy đến cùng, biên chế đều là tiền cả, đều vào câu chuyện ngân sách do QH quyết. Quản lý biên chế theo kiểu như vậy nên ngay số liệu về biên chế cả nước cũng vênh nhau theo cách tập hợp của từng hệ thống.
Các nước làm thế nào nhỉ? Thử lấy ngân sách liên bang 2017 của CHLB Đức do Nghị viện thông qua bằng luật: QH quyết biên chế của từng cơ quan trung ương từ Văn phòng Tổng thống, Văn phòng Thủ tướng cho đến các bộ.
Ví dụ Bộ Nội vụ LB có số công chức tại Bộ là 1.313, trong đó dự trữ 18; công chức tại các cơ quan trực thuộc Bộ là 49.928, dự trữ 8... Biên chế cụ thể không chỉ về số lượng bao nhiêu, mà còn cụ thể về lương theo ngạch công chức: bao nhiêu ngạch cao cấp, bao nhiêu ngạch đơn giản...
Khá ấn tượng là biên chế Bộ Quốc phòng Đức: 3 đại tướng, gồm 1 tại Bộ, 2 tại cơ quan trực thuộc; trung tướng và phó đô đốc: 26, tổng 202 tướng và 1.327 đại tá toàn quân...
Mỗi nước có đặc thù riêng, ta lại có đặc thù kiểu ta. Nhưng nêu như thế để tham khảo xem trong tình hình người trong bộ máy đang nhiều, giảm biên chế khó khăn thì có cần thay đổi gì không trong quản lý biên chế cả hệ thống chính trị nước ta.
Năm là tiêu chí tổ chức, biên chế và lãnh đạo. 3 vấn đề này qua đợt giám sát càng lộ rõ quá nhiều điểm yếu. Phòng là gì, vụ khác cục thế nào, vụ, cục nào được có phòng bên trong, sao có bộ thì vụ mà có bộ lại Cục Hợp tác quốc tế, bộ thì Cục Công nghệ thông tin, bộ lại Trung tâm tin học...
Phòng, cục bao nhiêu biên chế, bao nhiêu lãnh đạo là vừa. Tiêu chuẩn, tiêu chí lãnh đạo đã rõ và phù hợp chưa, bộ có 5 thứ trưởng mà vẫn thiếu thứ trưởng đi họp; lãnh đạo phòng lại nhiều hơn nhân viên; sao lại có hàm ở chỗ này mà chỗ kia không được...
Cái “loay hoay” chính một phần cũng nằm ở đây. 3 tiêu chí này chưa rõ và chuẩn thì ta còn loay hoay dài dài trong cải cách bộ máy hành chính nhà nước.
Sáu là phải nhiều thí điểm trong cải cách bộ máy nhà nước nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung. Thí điểm là cần thiết khi chưa chắc chắn lắm về kết quả đạt được khi làm cái này, cái kia, do đó phải thử, qua đó rút kinh nghiệm.
Qua thí điểm đã chính thức, ví dụ cơ chế khoán biên chế và kinh phí hành chính, cơ chế tự chủ sự nghiệp. Rất có thể sắp tới ở địa phương sẽ thí điểm hợp nhất cơ quan Đảng và Nhà nước, cơ quan Đảng và Mặt trận Tổ quốc; thí điểm số lượng khung tổ chức và số lượng khung lãnh đạo bộ máy chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; thí điểm khoán tổ chức, biên chế, kinh phí và lãnh đạo...
Trong quá trình cải cách tiếp bộ máy hành chính nhà nước vẫn cứ phải thử nghiệm, thí điểm cái này, cái kia, nhưng cần hết sức chú ý những cái căn bản nhất của khoa học tổ chức, đó là mỗi tổ chức sinh ra phải có cái lý của nó, tức là có chức năng, nhiệm vụ rõ và phù hợp, không chồng chéo với tổ chức khác.
Từ phân tích công việc định cơ cấu bộ máy, vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức và biên chế, trên cơ sở đó tuyển đúng người và vận hành, điều hành hoạt động của tổ chức hướng tới đạt mục tiêu đề ra với chi phí thấp nhất.