Cảm động lái xe Sơn La cho học sinh đi nhờ miễn phí

Hai năm liền, lái xe Nguyễn Hồng Phi, chạy tuyến Phù Yên – Sơn La chở xe miễn phí cho học sinh đến trường.

Câu chuyện về một tài xế chở xe miễn phí cho học sinh đến trường được chị Mùi Thị Thu Hà – Hiệu phó Trường Mầm non Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La – chia sẻ trên một diễn đàn. Ngay lập tức, câu chuyện nhận được hàng ngàn lượt “like” và chia sẻ.

Ảnh: Mùi Thị Thu Hà.
Ảnh: Mùi Thị Thu Hà. 
Chị Hà viết: “Hôm nay có việc lên Sơn La. Mình đi chuyến xe Phù Yên lên thành Phố Sơn La. Xe chỉ có 3 khách cả mình. Đến Suối Xập thỉnh thoảng lại có 2-3 em học sinh vẫy xe khách, anh lái xe lại dừng xe cho các em lên xe. Mình thầm nhủ trong lòng, khách lên xe khoảng 10 người thế này đông khách thấy vui vui trong lòng. Mình bảo anh lái xe ‘anh ơi em mừng cho anh, khách đông anh nhỉ!’. Anh lái xe nói anh làm từ thiện đấy, 2 năm rồi sáng nào anh cũng đón học sinh từ Suối Xập lên đỉnh Phiêng Ban, nếu không phải thứ 7 thì ngày nào cũng gần 40 em học sinh. Trân trọng tấm lòng của anh lái xe lúc 5h30 sáng lên Sơn La quá. Anh thật có tâm. Chúc anh lái xe an toàn may mắn đông khách ạ!”
Chia sẻ với báo Vietnamnet, anh Nguyễn Hồng Phi – lái xe được chị Hà nhắc đến trong câu chuyện – cho biết, anh chạy xe tuyến Phù Yên – Sơn La được 2 năm nay. Anh có 2 xe chạy chuyến đi từ 5h30 sáng và chạy về lúc 13h30 chiều, mỗi xe chạy 2 ngày thay phiên nhau.
Xe của anh và xe kia do một lái xe tên Nhất lái đều chở miễn phí các em tới trường suốt 2 mùa đông qua.
“Xe tôi chạy từ 5h30 sáng, đến khoảng 6h30 thì bắt đầu đón các cháu rải rác ở các điểm. Có cả học sinh cấp 1 và cấp 2 của trường Phiêng Ban. Trường Tiểu học Phiêng Ban 1, điểm trường Bản Mòn thì ở giữa đèo” – anh Phi chia sẻ.
Người đàn ông 45 tuổi này cho biết, ban đầu thấy các cháu được bố mẹ chở đi, mùa đông mưa nhiều, rét mướt, đường 5km thì dốc dựng đứng, không có chỗ nào đường bằng, anh thấy thương, nên bảo các cháu lên xe, anh chở tới trường. Rồi quen dần, các cháu tự ra đường đón xe. “Cứ mùa đông mưa rét thì các cháu đi nhờ, còn mùa hè vào học sớm thì bố mẹ các cháu đưa đi. Những cháu gần trường hoặc cách trường độ khoảng 1 km thì đi bộ thôi, vì dừng giữa đèo cũng khó”.
Anh Phi chia sẻ, thông thường ngày nào đông thì anh đón khoảng 30-40 cháu, ngày nào ít thì 10-20 cháu.
Ảnh: Mùi Thị Thu Hà.
Ảnh: Mùi Thị Thu Hà. 
Hơn 1.000 lượt bình luận sau khi đọc câu chuyện này đều gửi tới anh Phi và nhà xe những lời khen ngợi, ngưỡng mộ, cầu mong anh và các đồng nghiệp luôn thượng lộ bình an. “Thật đáng trân trọng giữa thời buổi đồng tiền hoá mà vẫn có những người nghĩa tình. Một điều chắc chắn là nhà xe đó sẽ an toàn, gặp nhiều may mắn” – chị Nguyễn Dung bình luận.
Ảnh: Mùi Thị Thu Hà.
Ảnh: Mùi Thị Thu Hà. 
“Mình cũng đã từng đi xe khách Phù Yên – Sơn La, thấy các anh thật tốt. Buổi trưa đón các em đi học về, quãng đường đi khá xa nếu không có các anh thì những em nhỏ này đi học thật vất vả. Mong các anh duy trì được hoạt động này. Hành động nhỏ ý nghĩa lớn!” – chị Vân Phạm nói.
Khi phóng viên xin phép được chia sẻ câu chuyện của anh Phi, anh bảo “Ngại lên báo lắm. Anh và mọi người chỉ cố gắng làm một việc tử tế nhỏ nhoi trong khả năng của mình thôi. Không có gì to tát cả”.
Chị Hà - người chia sẻ câu chuyện - cho biết, chị rất bất ngờ khi biết nhà xe chở miễn phí cho các em tới trường, vì thấy các em bắt xe bình thường như bao hành khách khác. "Tôi rất trân trọng hành động và tình cảm của các anh dành cho các cháu. Thậm chí, phụ xe cũng nói chuyện, trêu đùa, bá vai bá cổ nhau với các cháu rất thân tình."
Mời độc giả xem video việc tử tế - Cậu bé sửa giày miễn phí cho người nghèo. Nguồn video: Pháp luật TP HCM:

Anh thợ sửa xe truyền nghề miễn phí

Anh thợ sửa xe Lê Văn Thái (quận Tân Bình, TP HCM) từng nổi tiếng với câu chuyện sửa xe cũ tặng học trò nghèo.

Từ chiếc xe đạp đầu tiên mua của chị ve chai sửa lại nhìn như xe mới mang đến tận nhà tặng cậu học trò nghèo cách đây hơn chục năm, đến nay anh Thái đã tặng hơn 100 chiếc xe cũ thành mới đó cho học sinh nghèo. “Mỗi lần tặng xe tụi nhỏ vui, tôi cũng thấy mình vui theo” - anh Thái bộc bạch.
Nhiều đợt cao điểm vào đầu năm học, anh Thái có thêm người em trai cùng làm nghề với anh giúp sức. Có ngày, hai anh em tranh thủ làm cả đêm để kịp cho ra lò những chiếc xe đạp sơn màu xanh, màu hồng... “Mình không giàu tiền bạc nhưng có công cũng có thể góp một chút” - anh Lê Văn Ngài, em trai anh Thái, chia sẻ.

Cảm phục thầy giáo bám rừng, nuôi học trò nghèo

Ẩn khuất đằng sau núi Cấm (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), thầy Nguyễn Quốc Thắng thầm lặng đem đến con chữ cho trò nghèo.

Xã An Hảo (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) có hơn một nửa dân số (trên 4.000 người) là đồng bào dân tộc Khmer, cuộc sống chủ yếu dựa vào nghề nông.

Tin mới