Cấm nhà ở kinh doanh “nhạy cảm”: Quản lý yếu kém?
(Kiến Thức) - Chuyên gia và người dân cho rằng, đề xuất cấm nhà ở kinh doanh "nhạy cảm" chỉ thể hiện sự yếu kém trong quản lý của các cơ quan chức năng.
Đề xuất cấm nhà ở kinh doanh vào các mục đích như kinh doanh gas, vật liệu gây cháy, nổ, kinh doanh vũ trường, quán bar, nhà nghỉ, dịch vụ karaoke… vừa được Bộ Xây dựng đưa ra trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi công bố mới đây.
Một số ý kiến cho rằng, việc cấm như vậy là đúng, để đảm bảo an toàn, an ninh trật tự cho người dân. “Hiện đa số các nhà nghỉ đều được nâng cấp từ nhà xây để ở, nằm xen kẽ trong các khu dân cư gây rất nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến cuộc sống chung của người dân. Ngay gần nhà tôi có 2 nhà nghỉ hoạt động suốt ngày đêm, biển quảng cáo sáng trưng, nhiều cảnh chướng tai gai mắt trong khi gia đình tôi đều có các cháu nhỏ, tôi lo ảnh hưởng không tốt tới các cháu”, chị Nguyễn Thị Nhung, ở Khương Hạ, Thanh Xuân cho hay.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng tình thì đề xuất nói trên bị cho là thiếu khả thi. Thậm chí, chuyên gia và nhiều người dân còn cho rằng nó chỉ thể hiện sự yếu kém trong quản lý của các cơ quan chức năng.
|
Chủ các nhà nghỉ lo sốt vó vì đề xuất của Bộ Xây dựng. Ảnh minh họa |
“Từ trước tới nay, các điểm kinh doanh đều chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng. Muốn được kinh doanh nhà nghỉ, karaoke, làm đại lý gas…cơ sở đó phải đảm bảo mọi điều kiện về phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự…nếu là hàng ăn thì phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…được chính quyền sở tại cấp phép. Vậy thì tại sao phải ra thêm luật cấm nhà ở kinh doanh các loại hình đó để chồng chéo lẫn nhau? Các cấp quản lý hiện tại cứ làm tốt công việc của mình trước đã, đừng để người dân thấy chính quyền không quản được thì cấm”, anh Nguyễn Đức Thuận, hiện đang làm kiến trúc sư cho một công ty xây dựng ở Cầu Giấy, Hà Nội nêu ý kiến.
Cho rằng đề xuất của Bộ Xây dựng là thiếu khả thi, anh Hà Văn Tiến (Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội), hiện đang làm kỹ sư xây dựng thắc mắc: “Chưa nói đến các địa phương khác, ở Hà Nội hầu hết các nhà nghỉ, quán karaoke, cơ sở kinh doanh gas…đều từ nhà ở mà ra. Người dân có nhà mặt đường, có thể cho thuê toàn bộ hoặc cho thuê một phần diện tích làm kinh doanh, phần còn lại vẫn dùng để ở. Vậy nếu không sử dụng nhà ở kinh doanh nhà nghỉ, cửa hàng thì không biết lấy loại nhà nào thay thế”.
Trong khi đó, sau khi đề xuất của Bộ Xây dựng được thông tin trên các phương tiện truyền thông, chủ các nhà nghỉ lo "sốt vó" vì sợ tiệt đường sống. “Nếu đề xuất trên được thông qua, tôi buộc phải chuyển đổi mục đích kinh doanh, bao nhiêu vốn liếng đổ vào 2 nhà nghỉ coi như đổ xuống sông. Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, nếu Nhà nước không cho kinh doanh nhà nghỉ sẽ có hàng ngàn lao động mất việc làm”, anh Bùi Đức Quân, đang kinh doanh nhà nghỉ ở Trần Duy Hưng, Cầu Giấy lo lắng nói.
Đánh giá về đề xuất mới của Bộ Xây Dựng, trao đổi với Kiến Thức, ông Phạm Thanh Hưng, Phó TGĐ của Tập đoàn Bất động sản Thế kỷ (Cen Group) cho hay, cấm đoán một cách chụp mũ như vậy rất vô lý. Theo ông Hưng, nhà nào đủ điều kiện kinh doanh vẫn phải cho kinh doanh, nhà nào không đủ điều kiện thì không cấp phép. “Nếu căn nhà đó đáp ứng đầy đủ các điều kiện về phòng chống cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự thì không có lý do gì để cấm họ kinh doanh cả. Vấn đề chủ yếu vẫn nằm ở khâu quản lý của Nhà nước”, ông Hưng nói.