Chị Lê Thị Quỳnh (Thường Tín, Hà Nội) không khỏi lo âu, đau buồn khi kể về con gái 6 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh động kinh.
Khi bé được 2 tuổi, một buổi sáng, thấy cháu đang chơi đùa trên giường, chị Quỳnh xuống bếp nấu đồ ăn sáng cho con. Năm phút sau chị quay lại gọi con nhưng không thấy cháu trả lời. Bà mẹ hốt hoảng khi thấy bé nằm bất động, mắt trợn ngược, môi bặm và da tím tái. Hai vợ chồng tức tốc chở con xuống trạm xá. Nhưng khi vừa đến nơi, cháu tỉnh dậy và trở lại bình thường. Kết quả tại bệnh viện đa khoa tỉnh không tìm ra bệnh cho cháu. Bé chỉ được cắt thuốc bổ về uống.
Chị Quỳnh cho biết tính đến nay con gái chị đã 4 lần rơi vào trạng thái như vậy. Các lần cách xa nhau 1-2 năm, hơn nữa tình trạng diễn ra nhanh chóng rồi cháu lại trở về bình thường nên gia đình chủ quan.
Mới đây, chị cho con ra Hà Nội khám. Các bác sĩ kết luận con bị động kinh và cần chữa gấp trước khi cháu bị chậm trí tuệ. Kết quả khiến vợ chồng chị như chết lặng vì thương đứa con gái kháu khỉnh, nhanh nhẹn thường ngày của mình.
TS Tô Thanh Phương - Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 1. Ảnh: Việt Hùng. |
TS.BSCC, Phó giám đốc, Trưởng khoa Cấp tính nữ Tô Thanh Phương - Bệnh viện Tâm thần Trung ương - cho biết đây là một trường hợp mắc động kinh điển hình. Việc phát hiện ra bệnh có thể căn cứ vào triệu chứng lâm sàng và kết quả điện não đồ (có sóng nhọn động kinh ở não). Nhiều trường hợp vẫn có thể phát hiện bệnh khi chỉ có một trong hai căn cứ này.
Động kinh có hai loại cục bộ và tâm thần. Trong đó, động kinh tâm thần hay gặp ở tuổi trẻ dưới 20 tuổi, liên quan đến các sang chấn sau đẻ do khó sinh, thai nhi bị thúc, gây tổn thương vùng thùy thái dương.
Bệnh nhân động kinh tâm thần có 2 vị trí tổn thương, bên não chiếm ưu thế (bên trái) liên quan đến ngôn ngữ, và bên não không chiếm ưu thế (bên phải) liên quan đến nội tạng thực vật. Bệnh nhân hay lo âu, buồn chán, hoảng sợ.
Theo tiến sĩ Phương, nhiều trường hợp bệnh nhân lên cơn điên dại, co giật, không thể kiểm soát. Những biểu hiện này thường hay bị nhầm lẫn với bệnh tâm thần dẫn tới khó khăn trong điều trị.
Trẻ càng nhỏ tuổi mắc bệnh động kinh càng nguy hiểm. Nếu không được chữa trị, các cháu sẽ bị dừng phát triển trí tuệ, thành người ngây dại và thường xuyên lên cơn động kinh.
Thậm chí, bác sĩ Phương khuyến cáo bệnh nhân động kinh có thể tự sát trong trạng thái trầm cảm. Họ cũng có thể rơi vào trạng thái hoàng hôn sau cơn động kinh co giật. Trong thời gian đó, bệnh nhân thường gây án, đập phá hoặc gây tổn thương tới tất cả người, vật cản đường.
Để tránh mắc căn bệnh, tiến sĩ Phương khuyến cáo cần tránh để trẻ bị sốt cao ngay từ lúc sinh ra. Khi bị sốt, phải tìm mọi cách hạ sốt cho trẻ, bởi co giật khi sốt rất nhạy cảm, từ 39 độ C trở lên có thể làm xuất hiện cơn động kinh. Trong một số trường hợp, cha mẹ cần cân nhắc bên cạnh thuốc hạ sốt nên cho trẻ uống thêm thuốc an thần. Những người có các biểu hiện của bệnh động kinh phải tìm đến bác sĩ tâm thần để được chữa trị ngay lập tức.