Cận cảnh đàn khỉ mốc "quý như vàng" bất ngờ xuất hiện ở Quảng Bình
Khỉ mốc (Macaca assamensis) thuộc nhóm động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và cần được ưu tiên bảo vệ.
Thiên Trang (TH)
Xem toàn bộ ảnh
Ngày 15/9, ông Nguyễn Thanh Tú, Trưởng nhóm giữ voọc gáy trắng cộng đồng tại xã Thạch Hóa và Đồng Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), thông báo về sự xuất hiện của 2 đàn khỉ mốc quý hiếm gần khu dân cư vùng núi Thiết Sơn.
Có tổng cộng 37 cá thể, với một đàn lớn 21 cá thể và một đàn khác 16 cá thể. Các đàn khỉ mốc quý hiếm này có tổ chức xã hội rõ ràng và không sợ người do khu vực bảo tồn voọc gáy trắng được bảo vệ tốt.
Nguyên nhân chính khiến đàn khỉ mốc đổ về khu bảo tồn voọc gáy trắng là vì nơi này an toàn, có nguồn thức ăn dồi dào và không bị săn bắn hoặc đe dọa.
Khỉ mốc là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ. Vì vậy, chúng cần được bảo vệ khẩn cấp.
Loài khỉ mốc có tên khoa học Macaca assamensis, thuộc bộ khỉ hầu. Chúng có lông dày và dài. Màu lông trên cơ thể có thể thay đổi từ màu nâu sẫm tới màu nâu vàng nhạt. Riêng phần vai, gáy, đỉnh đầu và tai thường có lông màu sáng hơn và vàng hơn phía sau chân và đuôi.
Lông xung quanh mặt của khỉ mốc có màu đen. Hai má có lông màu xám, phía trong và phía dưới của đùi màu trắng xám. Đuôi của khỉ mốc thường mập phần gốc.
Khỉ mốc sinh sản quanh năm và mỗi lứa chỉ đẻ một con. Thức ăn chủ yếu của loài khỉ này gồm: quả, lá non, côn trùng, thằn lằn và một số động vật nhỏ.
Loài khỉ mốc hoạt động vào ban ngày, thích leo trèo và có nhiều lúc đi trên mặt đất. Vào ban đêm, chúng ngủ trên cây và trên núi đá. Khỉ mốc sống theo đàn và có một con đực làm chỉ huy. Con đầu đàn thường canh gác khi cả đàn kiếm ăn.