(Kiến Thức) - Di sản văn hoá vật chất triều đại Tây Sơn tuy còn lại không nhiều nhưng đã được tập hợp, công bố ở nhiều nơi. Có những cổ vật Tây Sơn mang giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt, được công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam.
Quốc Lê
Xem toàn bộ ảnh
Ấm hình voi bằng đồng thuộc triều đại Tây Sơn, cuối thế kỷ 18, hiện vật của Bảo tàng Lịch sử TP HCM. Dù chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn (1778 - 1802), triều đại Tây Sơn đã để lại những dấu ấn vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Lư hương đồng hình voi, triều Tây Sơn. Ngược dòng lịch sử, vào cuối thế kỷ 17 - đầu thế kỷ 18, chế độ phong kiến Việt Nam bước vào giai đoạn khủng hoảng toàn diện và sâu sắc. Đất nước bị nội chiến chia cắt, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ..
Một lư hương Tây Sơn bằng đồng. Trong hoàn cảnh lịch sử rối ren, phong trào nông dân khởi nghĩa dấy lên ở khắp nơi, đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn.
Bình vôi (trái) và ấm (phải) Tây Sơn, chất liệu đồng. Nổ ra năm 1771, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng, tiến tới đánh tan các thế lực phong kiến cát cứ, đưa đất nước vào ổn định.
Lư hương bằng gốm, triều Tây Sơn. Thành tựu lớn nhất của khởi nghĩa nông dân Tây Sơn chính là đã dẹp yên được thù trong, đánh thắng giặc ngoài và thống nhất đất nước.
Bình và nậm rượu Tây Sơn. Nhân vật tiêu biểu của phong trào Tây Sơn là Quang Trung - Nguyễn Huệ - người tổ chức và lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống xâm lược Xiêm (1784) và quân Thanh (1789), lập nên những chiến công oanh liệt Rạch Gầm – Xoài Mút và Ngọc Hồi - Đống Đa.
Hai chiếc bình vôi thời Tây Sơn. Sau chiến thắng quân xâm lược, thống nhất đất nước, nhiều chủ trương, cải cách lớn được Nguyễn Huệ hoạch định nhằm phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá và quân sự, củng cố nền độc lập, thống nhất đất nước.
Các loại tiền xu thời Tây Sơn (Thái Đức Thông Bảo, Minh Đức Thông Bảo, Quang Trung Thông Bảo...). Cho đến nay di sản văn hoá vật chất thời Tây Sơn tuy còn lại không nhiều nhưng đã được các nhà nghiên cứu sử học và bảo tàng tập hợp, công bố rộng rãi.
Có những cổ vật Tây Sơn mang giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt, đã được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam, như trống đồng Cảnh Thịnh, hiện được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Trống được đúc năm 1800 dưới triều vua Cảnh Thịnh
Một Bảo vật quốc gia khác là các pho tượng Phật giáo thời Tây Sơn ở chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất, Hà Nội). Đây là những kiệt tác điêu khắc cổ của người Việt, thường được biết đến trong dân chúng qua hình tượng 18 vị La hán chùa Tây Phương.
Dù chưa được công nhận là Bảo vật quốc gia, chuông La Chữ được nhiều người coi là một "báu vật" của nhà Tây Sơn. Quả chuông được tướng Võ Văn Dũng cho đúc vào năm 1791, hiện treo ở gác chuông của chùa làng La Chữ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Mời quý độc giả xem video: Giải mã thông điệp ý nghĩa trống đồng Đông Sơn. Nguồn: Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.