Cận cảnh tượng Phật cao nhất Đông Nam Á có trái tim Đức Phật
Pho đại tượng phật A Di Đà tại chùa Khai Nguyên cao khoảng 72m, phần đế rộng hơn 1.200m2, là pho tượng cao nhất Đông Nam Á và có trái tim được tạc bằng chất liệu ngọc bích Nephine Canada nguyên khối, trọng lượng nặng hơn 1 tấn.
Nguyễn Hải
Xem toàn bộ ảnh
Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội gần 40km, chùa Khai Nguyên hay còn được gọi là chùa Tản Viên tên hiệu đầy đủ là Tản Viên Sơn Quốc Tự nổi tiếng khắp cả nước khi là ngôi chùa có tượng Phật A Di Đà cao nhất Đông Nam Á.
Năm 2015, pho đại tượng phật A Di Đà được đại đức Thích Đạo Thịnh cho xây dựng với thông điệp vì hòa bình thế giới. Theo đại diện phòng truyền thông chùa Khai Nguyên, pho đại tượng phật A Di Đà vì hòa bình thế giới cao khoảng 72m (Dự kiến khi hoàn thiện, pho đại tượng này sẽ lập kỷ lục là một trong những pho tượng dáng ngồi cao bậc nhất Đông Nam Á), phần đế rộng hơn 1.200m2, được xử lý bằng công nghệ ép cọc bê tông dự ứng lực nên rất vững chắc.
Bên trong pho đại tượng Phật gồm 13 tầng, trong đó 12 tầng được bố trí cho khách tham quan thờ Bồ Tát và tầng âm được xây dựng thành lục đạo luân hồi gồm nhiều cõi như a tu la, địa ngục, quỷ ngã….
Chùa Khai Nguyên được thiết kế theo lối kiến trúc độc đáo, giữ được nhiều nét cổ kính đặc trưng. Trong điện Tam bảo của chùa được bài trí 1975 pho tượng Phật lớn nhỏ. Tất cả tượng đều do tăng ni phật tử công đức vào chùa.
Đặc biệt, tầng 12 là nơi an trí và tôn thờ trái tim của Đức Phật A Di Đà, được tạc bằng chất liệu ngọc bích Nephrite Canada nguyên khối, có trọng lượng hơn một tấn. Đây được xem là một trong những kiệt tác linh thiêng và nổi bật nhất của đại tượng. (Ảnh: Dân trí)
Ban thờ Đức Phật tại chùa Khai Nguyên.
Ngoài ra, chùa còn lưu giữ một số di vật có giá trị như: Hai tấm bia đá có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 19 (năm 1759) và Gia Long thứ 14 (năm 1815), 1 quả chuông đồng niên hiệu Tự Đức thứ 22 (năm 1870). Đây là nguồn sử liệu quý cho thấy những giá trị văn hóa – lịch sử của chùa Khai Nguyên.
Với lối kiến trúc độc đáo, mỗi hoa văn, họa tiết trên tường nằm bên trong Đại tượng Phật đều có ý nghĩa riêng trong Phật giáo.
Theo những bi ký còn lưu giữ trong khuôn viên, chùa Khai Nguyên được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVI. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chùa Khai Nguyên xưa đã bị phá hủy hoàn toàn. Từ năm 2003, chùa được các Phật tử gần xa quyên góp, trùng tu với quy mô lớn.
Tháp Báo Ân được đặt tại khuôn viên chùa.Tháp được xây dựng để tôn trí di cốt của các tín đồ Phật tử có tâm nguyện sau khi xả bỏ báo thân muốn lưu gửi di cốt tại Bảo Tháp để nhà chùa và con cháu thành tâm tưởng nhớ.
Chùa Khai Nguyên là điểm đến của đông đảo du khách, phật tử khắp nơi về tham quan, chiêm bái, nhất là trong dịp đầu năm mới.