Cần chế tài mạnh để ngăn chặn gian lận xăng dầu
(Kiến Thức) - Thời gian qua lại bùng phát hiện tượng gian lận xăng dầu tại nhiều cây xăng để móc túi người tiêu dùng, thu lợi bất chính.
Theo thông tin của các cơ quan chức năng, tại Đăk Lăk có tới 60% các cây xăng gắn chip điện tử để gian lận xăng dầu. Có nơi người tiêu dùng khi mua 10 lít xăng thì thiếu 0,6 lít. Tại Nghệ An cũng có 12/49 cửa hàng xăng dầu sử dụng chip điện tử để gian lận xăng dầu móc túi người tiêu dùng...
Ngoài thủ đoạn tinh vi kể trên, bằng mắt thường, người tiêu dùng cũng dễ dàng phát hiện được các hành vi gian lận như khi bơm không đưa chỉ số về 0; dùng dây bơm dài ngoằn ngoèo ngắt bơm nhanh để lại xăng trong ống; Bơm giật cục lúc đầu làm đồng hồ chạy rất nhanh, hoặc chỉ cần mang can tiêu chuẩn đi mua xăng chúng ta cũng thấy rõ sự thiếu hụt... Hành vi gian lận móc túi người dùng chẳng khác nào hành vi “ăn cắp” cần phải được dư luận lên án và xử lý nghiêm khắc.
Nguyên nhân dẫn đến các hành vi trên là do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên chưa có sức răn đe, cộng với lợi nhuận lớn mang lại cho chủ các cây xăng nên họ bất chấp đạo lý của con người, sẵn sàng làm ăn gian dối. Chính phủ đã có Nghị định số 104/2011/NĐCP quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm đo l,ường, chất lượng xăng dầu. Trong đó mức phạt vi phạm gian lận về đo lường, về giá trị bị phạt từ 10 – 30 triệu đồng, tuy nhiên so với giá trị mà các cây xăng gian lận thu được thì mức phạt này không thấm tháp vào đâu, vì thế cho dù đã có nhiều cây xăng bị phạt, xong hành vi gian lận xăng dầu vẫn tái diễn.
Vì vậy, dư luận và người dân đề nghị các cơ quan quản lý cần có chế tài đủ mạnh, từ phạt hành chính, đóng cửa vĩnh viễn và cần thiết nữa là truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi móc túi, “ăn cắp”của những cây xăng làm ăn gian dối. Đừng để người tiêu dùng chịu thiệt thòi, đừng để những điều không tử tế, vô lý trở thành thói quen.