Căn cứ quân sự Nga ở Syria “sẵn sàng chiến đấu cao“
Trang web Independence của Nga ngày 9/12 đăng bài viết với tiêu đề: "Số phận các căn cứ quân sự của Nga ở Syria sẽ được quyết định bởi ai đánh bại được Bashar al-Assad".
Tiến Minh (Theo Ng.ru)
Xem toàn bộ ảnh
Sự sụp đổ của chế độ Bashar al-Assad vẫn chưa có tác động đáng kể nào đến hoạt động của các căn cứ quân sự Nga ở Syria. Thủ tướng Syria Mohammad Ghazi Jalali, người vẫn ở Damascus và đã bắt đầu làm việc với các thủ lĩnh phiến quân, cho biết số phận tương lai sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria sẽ do chính quyền mới của nước này quyết định.
“Trung tâm hòa giải các bên xung đột ở Syria” của Nga cho biết, Căn cứ không quân Khmeimim của Nga ở Latakia vẫn hoạt động theo chế độ trước đó. Tuy nhiên an ninh đã được thắt chặt xung quanh khu vực.
Theo đưa tin của giới truyền thông, bạo loạn đã nổ ra gần căn cứ hải quân Nga ở cảng Tartus, đồng thời các đài truyền hình phát sóng những video về tội phạm đang lợi dụng sự hỗn loạn để cướp bóc đối với các trụ sở công quyền và các cửa hiệu.
Cách đây vài ngày, các nước Ả Rập và truyền thông phương Tây đưa tin, hai khinh hạm lớp Marshal Gorshkov, một khinh hạm lớp Petrel, hai tàu chở dầu và tàu ngầm Novorossiysk của Hải quân Nga đã rời cảng Tartus.
Ngày 7/12, Moscow phủ nhận việc tàu hải quân Nga rời cảng, nói rằng "các cuộc tập trận hải quân đang diễn ra ở Địa Trung Hải". Chính quyền Nga tuyên bố, các căn cứ quân sự của Nga ở Syria đang trong tình trạng “sẵn sàng chiến đấu cao”, nhưng hiện "an ninh của họ không bị đe dọa nghiêm trọng".
Nga và Syria đã đạt được thỏa thuận vào năm 2017 về việc Quân đội Nga đóng quân ở Syria trong 49 năm. Một trong hai bên có thể chấm dứt thỏa thuận và các cơ sở sẽ đóng cửa trong vòng một năm, sau khi hoàn tất quá trình ngoại giao.
Chuyên gia quân sự, Trung tướng Nga đã nghỉ hưu Yury Netkachev cho biết: "Chừng nào chế độ ổn định chưa được thiết lập ở Syria, thì văn bản xác nhận tính hợp pháp của sự hiện diện quân sự của Nga ở nước này sẽ vẫn có hiệu lực. Hiện chưa rõ khi nào chính phủ mới của nước này sẽ thành lập". Hay nói cách khác, về mặt pháp lý, Quân đội Nga vẫn có thể ở lại Syria một cách hợp pháp trong thời gian dài, nếu chính quyền mới của Syria chưa được thành lập.
Tướng Netkachev chỉ ra rằng, Quân đội Nga giờ đây sẽ phải bảo vệ lợi ích của mình ở Trung Đông, trong tình hình địa chính trị khó khăn hơn. Ông nói: "Các lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm liên minh 'Giải phóng Syria', đang nắm quyền, và liên minh này có thái độ thù địch với Nga. Do xung đột Nga-Ukraine, eo biển nối Biển Đen và Địa Trung Hải đã bị đóng cửa với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép tàu chiến Nga đi qua eo biển để đến căn cứ quân sự Nga ở Syria”.
Tướng Netkachev chỉ ra rằng, Mỹ và một số nước phản đối việc Nga đóng quân ở Trung Đông. Trên thực tế, đồng minh chính của Nga ở Syria là Iran cũng đã bị suy yếu. Chuyên gia này cho biết: "Con đường của người Shiite từ Tehran tới Địa Trung Hải thực tế đã bị phá hủy, đó không phải là điều tốt cho Nga". Ông cho rằng, Nga không thể “tay trắng” rời Syria, vì đã "đầu tư quá nhiều".
Tướng Netkachev cũng cho biết, lực lượng hải quân Nga đã tiến hành chuyển đổi toàn diện Cảng Tartus khi đóng quân ở Syria. Dự án không chỉ liên quan đến bến tàu nơi tàu chiến cập bến, mà còn xây dựng một âu tàu sửa chữa tàu lớn, nhiều nhà kho và đường ống vận chuyển dầu.
Tại Căn cứ không quân Khmeimim, Quân đội Nga đã xây dựng đường băng, nhà chứa máy bay, cơ sở hậu cần và ký túc xá mới. Với sự hỗ trợ của Nga, các căn cứ không quân Kuveres, Metras và Qamishli của Syria cũng được củng cố. Ông lưu ý: “Đầu tư vào tất cả các cơ sở này lên tới hàng trăm tỷ rúp”.
Nhà báo quân sự Alexander Coates tin rằng, các căn cứ Tartus và Khmeimim của Nga có thể không tìm được chỗ đứng trong “mô hình mới của Syria”. Đồng thời cho rằng, sự sụp đổ của Chính phủ Syria do Tổng thống Bashar al-Assad lãnh đạo, sẽ đặt ra thêm thách thức cho chiến lược của Nga.
Alexander Coates viết: "Các so sánh đã được thực hiện giữa tình hình hiện tại và việc người Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, nhưng mẫu số chung duy nhất là sự suy yếu nhanh chóng của các thể chế nhà nước địa phương.
Cũng giống như Mỹ, Nga chưa có ý định thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền mới ở Syria. Nga đã không cố gắng tạo ra điều gì đó mới mẻ, bằng cách thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với giới tinh hoa và xã hội dân sự mới của Syria, và điều đó có thể là một sự lãng phí các nguồn lực của Moscow”.
Viện Nghiên cứu chiến tranh Mỹ (ISW) nhận định, trường hợp các căn cứ quân sự của Nga ở Syria phải chấm dứt hoạt động, sẽ làm gián đoạn việc luân chuyển nhân sự, tiếp tế và khả năng của Nga trong việc triển khai sức mạnh quân sự trong khu vực, đặc biệt là ở Libya và châu Phi cận Sahara, nơi Moscow đang tìm cách duy trì ảnh hưởng của mình. (Nguồn ảnh: Topwar, TASS, Sputnik, CNN. Al Jazeera).