Chiều 8/6, ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp với ĐH Dublin (Ireland) tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Mô hình hóa tác động của không khí ô nhiễm và biến đổi khí hậu đối với sức khỏe cộng đồng tại TP.HCM (HealthyAIR 2022)”.
PGS.TS. Hồ Quốc Bằng (ĐHQG-HCM, đồng giám đốc dự án HealthyAIR) trình bày nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và khí nhà kính tại TP HCM. |
Báo cáo về dự án Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí HealthyAIR, TS. Ricardo Simon Carbajo - Giám đốc Trung tâm Đổi mới và phát triển, Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ĐH Dublin cho biết, ứng dụng này có thể đo được nhiều chất gây ô nhiễm không khí như PM2.5, CO, O3, NO2, SO2…
Dựa trên số liệu đo liên tục từ 6 trạm quan trắc không khí tự động tại 6 quận, HealthyAIR đưa ra các khuyến cáo, cảnh báo về chất lượng không khí cho các nhóm đối tượng có các bệnh như: hen suyễn, viêm xoang, hô hấp…
Còn theo PGS.TS. Hồ Quốc Bằng (ĐHQG-HCM, đồng giám đốc dự án HealthyAIR), xe máy chiếm ưu thế trong các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường. Do đó, ông Bằng đề xuất TP HCM nên kiểm soát ngay khí thải xe máy bằng cách loại bỏ những xe gắn máy cũ nát; phải thực hiện ngay việc kiểm tra khí thải xe gắn máy, nếu không đạt chuẩn khí thải phải loại bỏ hoặc yêu cầu người dân duy tu, bảo dưỡng. Về chiến lược, TP HCM cần xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí từ nay đến 2025, tầm nhìn đến 2030 theo yêu cầu của Bộ TN-MT.
Cũng tại hội thảo, PGS.TS. BS. Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hen suyễn, Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng TP HCM cho biết, hậu quả mạn tính của ô nhiễm không khí gây tăng tần suất hen và COPD, suy giảm mạn tính về chức năng hô hấp, gây ung thư phổi và kéo theo các bệnh về tim mạch.
Tình trạng trẻ bị phơi nhiễm với bụi, SO2, NO2 bị ho và viêm phế quản cấp nhiều hơn, nhiều đợt cấp hen suyễn hơn, thể tích phổi thấp hơn, nhập viện do viêm phổi nhiều hơn.
PGS.TS. BS. Lê Thị Tuyết Lan cũng cho biết, ô nhiễm không khí, trong đó, NO2 và PM2.5 làm tăng khả năng mắc và tử vong do COVID- 19. Dự hậu của bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 bị xấu đi do ô nhiễm không khí.
TS. Đoàn Thị Phương Diệp – Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG-HCM) thì đưa ra nhiều đề xuất về xây dựng chính sách quản lý chất lượng không khí và biến đổi khí hậu cho TP HCM như: Cần xác định quy chuẩn kỹ thuật về khí thải riêng cho Việt Nam.
PGS.TS. Rajnish Rakhola - Chuyên gia AI tại CeADAR, University College Dublin, Ailen cho rằng, các mô hình được đề xuất trong dự báo bụi mịn không khí PM2.5 theo giờ và trong 24 giờ, được đánh giá có ý nghĩa lớn trong việc đưa ra cảnh báo sớm về các giai đoạn ô nhiễm không khí nguy hiểm đối với người dân TP HCM.
>>> Mời độc giả xem thêm video Người dân New Delhi, Ấn Độ thất vọng vì là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới:
(Nguồn: VTV24)