Cảnh bi đát nơi Đường “Nhuệ” cho đàn em siết nợ, nghi cướp phá tài sản
Gần 3 năm kể từ ngày Đường "Nhuệ" cùng đàn em đến chiếm đóng, ép bán công ty, gần 2.500m2 nhà xưởng cùng các tài sản giờ không cánh mà bay, trở thành đống đổ nát.
Theo Minh Khang - Nguyễn Huệ/VTC News
Xem toàn bộ ảnh
Sáng 14/4, PV VTC News tìm đến trụ sở Công ty TNHH Lâm Quyết (xã Vũ Chính, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) ghi nhận những hình ảnh tan hoang của nhà xưởng vốn bề thế với hàng nghìn m2 và gặp lại nhân chứng vụ việc Đường "Nhuệ" dẫn hàng chục đàn em đến chiếm đóng, đuổi công nhân ra ngoài để chiếm đoạt, tẩu tán toàn bộ tài sản của doanh nghiệp này hồi tháng 10/2017.
Đôi mắt đỏ hoe, cố nén những giọt nước mắt như sắp trào ra cùng nỗi uất nghẹn trong lòng mấy năm nay, người em ruột đồng thời là cán bộ kỹ thuật, quản lý nhân sự cho chủ doanh nghiệp Lâm Quyết, ông Nguyễn Văn Nhàn (SN 1970, thôn Nam Hải, xã Thái Đô, Thái Thụy, Thái Bình) cho biết, gần 3 năm trôi qua nhưng ông không thể quên ngày Đường "Nhuệ" cùng đám chân tay kéo đến chiếm đóng, cưỡng đoạt công ty của anh trai mình.
Ông Nhàn cho biết, Công ty TNHH Lâm Quyết sản xuất kinh doanh đồ gỗ thành lập năm 2006, có 27 công nhân, mức lương từ 5 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Đầu năm 2017, vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết vay vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ") - Nguyễn Thị Dương (ở số nhà 366 đường Lê Quý Đôn, tổ 22, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình) 1,7 tỷ đồng để phục vụ sản xuất kinh doanh, thỏa thuận miệng lãi suất 2.000 đồng/triệu/ngày và không tính thời hạn vay. Đến cuối năm, Đường "Nhuệ" yêu cầu trả tiền song vì chưa có tiền trả ngay nên ông Lẫm khất trả dần.
“Ngày 3/10/2017, khi tôi đi làm về tới công ty, rất đông người xăm trổ, cởi trần, cầm dao kiếm đứng ở công ty. Họ hỏi vợ chồng anh trai tôi đâu nhưng tôi bảo không biết rồi đi thẳng xuống chỗ thợ để nghỉ ngơi. Khoảng gần 20h cùng ngày, Đường dẫn theo 7 - 8 đàn em tới công ty. Đường còn cầm theo khóa để khóa các cửa và nói giọng như ra lệnh: “Mày gọi ngay Lẫm về bàn giao xưởng cho tao và nhượng xưởng cho tao để tao vẫn cho chúng mày làm bình thường”. Trong số đó, có một người dùng lời lẽ dung tục chửi mắng chúng tôi”, ông Nhàn nhớ lại.
Cũng theo ông Nhàn, sáng 4/10/2017, công nhân vẫn tới công ty làm việc nhưng có 4 đàn em của Đường "Nhuệ" nằm tại công ty, đuổi không cho thợ vào. Bản thân ông Nhàn đi lấy vật liệu về tới nơi cũng bị chặn và bị những kẻ kia chửi bới, đuổi ra ngoài. Từ đó Công ty TNHH Lâm Quyết dừng hoạt động.
Cũng kể từ đó, với tổng diện tích gần 2.500m2 mặt bằng, 3 dãy nhà xưởng lớn để sản xuất đồ gỗ ngày nào bị biến thành những khung nhà tan hoang, xuống cấp bởi nhiều kẻ đã đến đây hủy hoại. Biết bao tài sản, máy móc bị tẩu tán hết, giờ chỉ còn là những khu nhà xưởng trơ khung.
Khu nhà văn phòng điều hành của công ty này giờ tan hoang không cửa, không mái nhà.
Cảnh tan hoang, đổ nát bên trong công ty cũ của anh trai ông Nhàn.
Giờ quay trở lại, ông Nhàn không khỏi đau đớn, uất nghẹn khi nhìn thấy cảnh tượng bi thảm này.
Khu nhà xưởng cỏ mọc um tùm, không mái che. Máy móc đồ gỗ ngày nào giờ cũng "không cánh mà bay".
Chỉ cho chúng tôi những bức tường đổ nát, những bộ bàn ghế nằm trơ nhiều năm trên nền gạch, ông Nhàn xót xa bảo, trước khi ông cùng người anh em rời đi, toàn bộ tài sản của doanh nghiệp như máy móc, gỗ, hàng hóa hoàn thiện và chưa hoàn thiện, tài liệu, két sắt, ti vi… vẫn còn nguyên vẹn.
Tuy nhiên, ngày 19/10/2017, sau khi nghe tin quân của Đường “Nhuệ” rút khỏi Công ty, ông Nhàn đi ngang qua đó và thực sự ngỡ ngàng trước một cảnh tượng tan hoang, máy móc và toàn bộ tài sản bị tẩu tán hết.
Những dãy nhà xưởng với hàng trăm mét vuông giờ trơ khung sắt. Khu nhà xưởng phun sơn, hàng trăm sản phẩm sắp thành thành phẩm giờ cũng chỉ là khu nhà xưởng trống trơn.
Sau khi sự việc xảy ra, gia đình ông Lẫm làm đơn gửi Công an TP Thái Bình trình báo bị Nguyễn Xuân Đường dọa giết, cướp phá, tẩu tán, hủy hoại tài sản nhưng không được giải quyết. Ngày 29/3/2018, gia đình ông Lẫm. nhận được thông báo của Công an TP Thái Bình về việc không khởi tố vụ án hình sự.
Video Vụ đại gia "Đường Nhuệ": Cái kết cho những kẻ ngông cuồng - Nguồn: Lao động TV