Cấp cứu kịp thời mẹ con thai phụ bị sốt xuất huyết nguy kịch tính mạng

(Kiến Thức) - BS CKII Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, vừa điều trị thành công một sản phụ mang thai tuần 38 bị sốt xuất huyết nguy kịch tính mạng. 

Bệnh nhân Phan Thị Tuyết Mai (SN 1988, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) nhập viện vì sốt cao liên tục, được chẩn đoán mang thai 38 tuần (thai lần 3), giảm tiểu cầu không đặc hiệu, phù thai nghén, sốt xuất huyết Dengue, tiểu cầu giảm rất nặng (chỉ còn 14000/mm3, số lượng tiểu cầu bình thường 150.000 -300.000/mm3), chảy máu chân răng. Bệnh nhân có dấu hiệu chuyển dạ sanh non…
Cap cuu kip thoi me con thai phu bi sot xuat huyet nguy kich tinh mang
Các bác sĩ phẫu thuật cứu thai phụ - Ảnh: Phong Phạm 
Do số lượng tiểu cầu giảm rất nặng và đã có xuất huyết, nên bệnh nhân được bác sĩ chỉ định truyền cấp cứu 1 đơn vị tiểu cầu, giúp số lượng tiểu cầu ở mức an toàn. Sau đó sản phụ sanh thường được 1 bé trai cân nặng 3,5kg.
Nhận định bệnh nhân có nguy cơ cao băng huyết sau sanh, nên bác sĩ đã điều trị tích cực và theo dõi sát tình hình. Sau khi sanh, tử cung sản phụ co hồi kém, bị băng huyết, giảm tiểu cầu… Ngay lập tức các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cấp cứu cắt tử cung bán phần. Sau hơn 20 phút, ê kíp bác sĩ đã phẫu thuật thành công. Sản phụ được truyền 13 đơn vị chế phẩm máu, tiểu cầu.
Sáng 14-11, sản phụ tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh hiệu ổn, vết mổ khô, đã rút ống dẫn lưu, không có xuất huyết mới, số lượng tiểu cầu hiện tại 90.000/mm3; trong khi em bé hồng, khóc to, bú được… Dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
Theo BSCK2 Nguyễn Thị Linh Hà (Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ), sốt xuất huyết ở thai phụ thường khó chẩn đoán hơn người bình thường do tình trạng pha loãng máu lúc mang thai làm che lấp tình trạng cô đặc máu.
Cũng theo bác sĩ Hà, tình trạng giảm tiểu cầu, men gan tăng và xuất huyết dưới da do sốt xuất huyết đôi khi đánh lừa bác sĩ sản khoa là thai phụ có hội chứng HELLP (một biến chứng của tiền sản giật). Triệu chứng của 2 bệnh này khá giống nhau, chỉ khác biệt là sốt xuất huyết có sốt, còn HELLP có tăng huyết áp.
Bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue ở phụ nữ có thai có thể gây nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con. Bà bầu bị mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue rất đáng lo ngại vì vi rút Dengue sẽ tác động vào cơ quan tạo máu của người mẹ và con (thai nhi) gây rối loạn đông máu, điển hình nhất là làm giảm số lượng tiểu cầu.
Khi lượng tiểu cầu giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiện tượng đông máu, tức là làm cho chảy máu kéo dài rất nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và thai nhi. Nếu thai phụ chuyển dạ trong khi bị bệnh sốt xuất huyết, nhất là ở ngày thứ 3 và thứ 5 của đợt sốt, thì rất dễ bị băng huyết.
Sốt xuất huyết Dengue ở người mẹ mang thai có thể gây suy thai hoặc đẻ non, thai chết lưu. Với người mẹ thì rất có thể bị chảy máu khó cầm, tiền sản giật, làm tổn thương đến chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ, do đó rất dễ gây tử vong cho mẹ.
Các bác sĩ khuyến cáo: thai phụ nên chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết, dọn dẹp nơi muỗi sinh sôi như hồ cá cảnh, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, tránh chỗ nước đọng... Nên báo cho nhân viên y tế những triệu chứng nghi ngờ như sốt, chảy máu chân răng, chảy máu cam, xuất huyết dưới da hay đau cơ, đau khớp... Phụ nữ mang thai nên uống nhiều nước, không tự ý dùng thuốc hạ sốt khi chưa rõ nguyên nhân.

4 ca tử vong vì sốt xuất huyết cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) giảm mạnh so với cùng kỳ, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch, đặc biệt khi mùa mưa đang tới.

Tại Việt Nam, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 20.522 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 04 trường hợp tử vong tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Khánh Hòa. So với cùng kỳ năm 2017 số mắc cả nước giảm 41,4%, số tử vong giảm 8 trường hợp.
Dù số ca mắc sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu gia tăng trong các tháng đầu năm và giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên hiện nay khu vực miền Nam, miền Trung, Tây nguyên đang bắt đầu vào mùa mưa, khu vực miền Bắc vào mùa hè... đây là điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển mạnh, nếu không tích cực chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, nguy cơ phát triển nhanh các ổ dịch bệnh sốt xuất huyết dẫn đến bùng phát dịch là rất cao.

Dịch sốt xuất huyết tăng mạnh ở trẻ 10 - 15 tuổi tại Cần Thơ

(Kiến Thức) - Dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu tăng mạnh tại Cần Thơ chủ yếu tập trung ở nhóm trẻ từ 10 – 15 tuổi.

Theo tin từ Thông tấn xã Việt Nam, trong 10 ngày đầu tháng 6/20178, khoa sốt xuất huyết của bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận gần 20 ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị, chủ yếu ở nhóm trẻ từ 10 – 15 tuổi. Trong đó nhiều ca điều trị kéo dài là do gia đình chủ quan khi con em bị nặng mới đưa vào bệnh viện. Nhiều trường hợp xuất hiện biến chứng, nguy cơ tử vong cao.
Bác sĩ chuyên khoa II Thạch Minh Đức, Phó Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết, dù mới vào đầu mùa mưa nhưng đến cuối tháng 5/2018, Bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị nội trú cho 200 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Điều này được cho là dấu hiệu nguy hiểm khi hàng năm mùa dịch thường diễn ra từ đầu tháng 7.

Tin mới