Trước tình hình này, Sở GTVT Hà Nội đã chỉ đạo Ban quản lý dự án Duy tu hạ tầng GTVT của Sở này tiến hành ký hợp đồng thuê Công ty tư vấn, triển khai công nghệ và xây dựng giao thông (Đại học GTVT) làm tư vấn kiểm định độc lập để khảo sát, kiểm định và đánh giá ảnh hưởng của vết nứt đến sự làm việc của trụ cầu, đồng thời mở rộng kiểm tra, rà soát toàn bộ các trụ cầu Vĩnh Tuy.
Dự kiến việc kiểm định hoàn thành trước ngày 10/3/2014.
Theo TEDI, đơn vị này đã kiểm tra hiện trường và thấy các trụ cầu làm việc ổn định, không có hiện tượng lún nghiêng. Các trụ từ T18 đến T21 không có hiện tượng nứt bê tông. Riêng trụ T22 xuất hiện vết nứt dọc có thể quan sát bằng mắt thường tại tim trụ theo chiều dọc cả hai phía.
|
Cầu Vĩnh Tuy. |
Phía
Vĩnh Tuy vết nứt bắt đầu phần rỗng của thân trụ kéo lên phía trên khoảng 10m, chiều rộng vết nứt lớn nhất ở phía dưới 2 mm, phía trên nhỏ dần với bề rộng khoảng 0,5mm. Mặt trụ phía Long Biên vết nứt có xu hướng tương tự, chiều rộng 0,3mm, chiều dài khoảng 8m.
TEDI cho biết trụ T23 cũng xuất hiện nứt ở vị trí tương tự trụ T22 nhưng chiều rộng nhỏ, chiều dài khoảng 2-3m, chiều rộng vết nứt lớn nhất khoảng 0,3mm. Hiện tượng nứt cũng xuất hiện trên thân trụ T24 ở phía Long Biên, bề rộng vết nứt nhỏ hơn nhiều, phải quan sát kỹ mới thấy.
Từ kết quả kiểm tra hiện trường kết hợp với rà soát hồ sơ bản vẽ và bản tính, TEDI nhận xét: vết nứt trụ T22 mang tính cá biệt trong khi các trụ có cấu tạo và điều kiện chịu lực tương đồng từ T18 đến T23 không xuất hiện vết nứt hoặc có vết nứt nhưng rất nhỏ. Đặc điểm vết nứt không phản ánh kết cấu hị hư hỏng do điều kiện làm việc của kết cấu, vết nứt có tính đơn lẻ. Vị trí và đặc điểm vết nứt ít ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của thân trụ trong điều kiện cốt thép ở vị trí vết nứt không bị hư hỏng.
Cũng theo TEDI đơn vị quản lý cầu cho biết vết nứt ở trụ T22 xuất hiện từ 3/2010 và phát triển rộng dần nhưng từ năm 2012 đến nay không phát triển nữa.
TEDI nhận định vết nứt dọc thân trụ T22 không phải do điều kiện chịu lực mà khả năng trong quá trình thi công thân trụ do ảnh hưởng bất lợi của một hay tổ hợp những yếu tố bất lợi như độ ẩm, nhiệt độ môi trường xung quanh, độ sụt lựa chọn của bê tông, quá trình bảo dưỡng sau khi đổ bê tông đã tác động tới quá trình thuỷ hoá bê tông làm hình thành vết nứt ngay trong khi bê tông đang ninh kết.
Sau đó, trong quá trình khai thác do ảnh hưởng của co ngót, vết nứt đã hình thành trước đó tiếp tục phát triển. Sau một thời gian khai thác,ảnh hưởng của co ngót giảm dần nên từ năm 2012 đến nay vết nứt không tiếp tục mở rộng nữa.
TEDI đề xuất cần sớm tiến hành ngay việc bơm keo trám kín vết nứt nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của môi trường bên ngoài tới cốt thép chịu lực, đặc biệt đối với vị trí nằm trong vùng ảnh hưởng của mực nước thay đổi.
Để đảm bảo tính khách quan, TEDI cũng đề nghị Sở GTVT thuê tư vấn kiểm định độc lập đánh giá mức độ ảnh hưởng của vết nứt và đề xuất phương án xử lý.
Trước đó, ngày 21/2, sau khi kiểm tra hiện trường Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã đề nghị Sở GTVT khẩn trương lựa chọn tư vấn kiểm định độc lập có năng lực để kiểm định, đánh giá nguyên nhân hình thành vết nứt trên trụ cầu, ảnh hưởng của vết nứt tới khả năng chịu lực và tuổi thọ công trình, phương án sửa chữa, khắc phục, rà soát kiểm tra lại toàn bộ trụ cầu Vĩnh Tuy.