Dẫn chúng tôi tham quan vườn, ông Nguyễn Văn Công (77 tuổi, trú tại Chợ Lách, Bến Tre) say sưa kể lại hành trình khởi nghiệp của mình. Trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng cây ăn trái nhưng thu nhập bấp bênh. Vào những năm 1980, nhận thấy nhu cầu cây cảnh ngày càng tăng, ông quyết định chuyển đổi cả vườn cây sang trồng cây sanh và cây si – hai loại cây có sức sống mãnh liệt, thích hợp làm cảnh quan và trang trí đường phố.
“Lúc ấy tôi chọn sanh và si vì chúng dễ trồng, được ưa chuộng nhiều để trồng ở các dải phân cách đường lớn”, ông nhớ lại.
Ông Nguyễn Văn Công gần 80 tuổi vẫn ra khu vườn của mình chăm sóc cây.
Ban đầu, các lô cây của ông nhanh chóng được tiêu thụ tại nhiều tỉnh miền Đông. Với kinh nghiệm tích lũy, ông thường xuyên được mời giao lưu, tư vấn cho các công ty cây xanh. Thành công nối tiếp, chỉ trong vài năm, ông mở rộng diện tích trồng cây lên 4 ha.
Tuy nhiên, khi thị trường cây công trình trở nên cạnh tranh gay gắt, ông Công tìm cách đi trước một bước bằng ý tưởng sáng tạo cây cảnh hình thú khổng lồ.
“Thị trường khi ấy đã có cây cảnh hình thú nhỏ, nếu tôi làm giống họ thì khó cạnh tranh. Thay vào đó, tôi chọn làm cây hình thú khổng lồ, hướng đến khách hàng lớn như khách sạn, khu du lịch,” ông giải thích.
Những tác phẩm hình thú khổng lồ chuẩn bị bán cho khách.
Từ những con rồng dài hơn 20 mét đến các mô hình thú khổng lồ cao 7-8m của ông nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Không chỉ bán cho khách hàng trong nước, ông còn xuất khẩu hàng nghìn sản phẩm mỗi năm sang Úc, Singapore và Campuchia.
Theo ông, làm cây cảnh hình thú không chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ mà còn cần kỹ thuật cao. Ông Công thường trồng cây si và sanh trong nhiều năm, sau đó mới uốn nắn thành hình các con vật.
“Nghe có vẻ đơn giản nhưng phải thật cẩn thận. Tôi đã truyền nghề cho nhiều thợ nhưng chưa ai làm tôi hài lòng. Chỉ cần lệch một chút thôi là hỏng, mất giá trị thẩm mỹ,” ông Công chia sẻ.Hiện tại, doanh thu khu vườn có giảm hơn trước.
Để thuận tiện cho việc vận chuyển, ông áp dụng phương pháp tạo tác cây từ các mô-đun lắp ghép. Từng phần cây được ghép lại tại vườn khách hàng, cho phép ông thực hiện các dự án lớn như nhà đón khách và hành lang cây xanh dài hơn 200m cho một khu du lịch.
Hiện tại, vườn kiểng của ông Công tạo việc làm cho 20 lao động địa phương. Riêng tiền công thợ mỗi năm khoảng 2 tỷ đồng. Trước dịch Covid-19, ông đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng mỗi năm. Dù hiện nay nhu cầu thị trường giảm, doanh thu cũng giảm. Nhưng ông vẫn kiên trì duy trì nghề và truyền đạt kinh nghiệm cho con trai – người sẽ tiếp quản vườn cây trong tương lai.
“Nghề này không chỉ nuôi sống gia đình tôi mà còn tạo sinh kế cho nhiều người khác,” ông Công chia sẻ. Ông kỳ vọng sẽ mở rộng thêm quy mô vườn và áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu thị trường.