'Cây cô đơn' ở hồ Tây đã gãy đổ vẫn có người tới check-in
Từ TP.HCM ra Hà Nội công tác, Toàn và Hồng Quang đèo nhau đi xem, check-in ở "cây cô đơn". Cả hai bày tỏ sự tiếc nuối khi địa điểm thú vị cho người trẻ lại bị phá hoại.
Theo Trà My - Tuấn Anh/Zing
Xem toàn bộ ảnh
Chiều cuối tuần, dù thời tiết nắng nóng, nhiều bạn trẻ, gia đình chọn bãi đất thông thoáng gần phủ Tây Hồ, ven hồ Tây làm điểm vui chơi. Đây cũng là nơi có "cây cô đơn" - gốc cây được giới trẻ Hà Nội ưa chuộng làm điểm check-in - vừa bị chặt phá một nhánh lớn vào nửa đêm ngày 14/6. Phần bị đổ là một trong 2 nhánh lớn của cây này, phần sát gốc có dấu hiệu bị chặt phá.
Sau 5 ngày bị kẻ lạ chặt phá, cành và lá trên phần gãy đổ của thân cây dần khô, héo, ngả màu. Dù vậy, vẫn có nhiều bạn trẻ tìm đến địa điểm này chụp ảnh.
Lần đầu tới Hà Nội, Toàn và Hồng Quang (TP.HCM) tìm đến "cây cô đơn" tham quan sau khi đọc thông tin trên mạng. "Mình chưa biết về cây trước đó, biết đến rồi thì thấy hay hay và muốn đến xem tận mắt. 'Cây cô đơn' có thể coi là nét riêng thú vị cho thành phố, dù chỉ là điểm đến nhỏ. Vì vậy, mình không hiểu ai lại đi chặt phá, may mà một phần của cây vẫn sống, mọi người vẫn đến vui chơi được", anh Toàn nói với Zing.
Trên đường đạp xe quanh hồ Tây, nhóm bạn 5 người quyết định tạt qua gốc "cây cô đơn" để check-in tập thể theo lời gợi ý của một người bạn. Một thành viên trong nhóm cho biết đây là lần đầu anh đến sát gốc cây chụp ảnh, trước đó chỉ đi qua.
"Mình chọn hồ Tây làm nơi ghi hình ảnh cưới bởi không gian thoáng đãng, ánh sáng tự nhiên với cảnh sóng nước đằng sau. Ban đầu, mình dự định chụp cả ở 'cây cô đơn' nhưng rất tiếc cây đã bị đốn hạ. Khi mới yêu nhau, hai vợ chồng cũng thỉnh thoảng lấy nơi này làm chỗ hẹn hò", Mai (27 tuổi) cho biết. Chụp ngoài trời vào ngày nắng nóng 37 độ C, cô dâu có chút mệt nhưng hy vọng săn được cảnh đẹp vào cuối chiều.
Tiếc nuối cũng là cảm giác của Thơm Nguyễn (Đan Phượng) khi gốc cây quen thuộc không còn hình dạng cũ. Vài ngày nữa bước sang tuổi 20, Thơm cùng nhóm bạn dành cuối tuần ra bãi cỏ chụp bộ ảnh theo phong cách dã ngoại. "So với những hình ảnh thường thấy, giờ 'cây cô đơn' đã mất đi vẻ đẹp ban đầu. Nếu cây không bị phá hoại, cả nhóm sẽ chụp thêm ở dưới gốc cây cho có bóng mát, hợp với buổi picnic", Thơm nói.
Di chuyển hơn 13 km từ khu vực Hà Đông lên quận Tây Hồ, Việt Anh và Nhật tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm. "Mình thường đi lên hồ Tây vào những ngày cuối tuần, khi không bận việc gì. Với mình, mùa hè hiện tại chưa nóng quá nên chưa ngại đi xa. Cộng với ngắm được cảnh hoàng hôn đẹp, mình thấy khá bõ công đi quãng đường từ đầu này sang đầu kia thành phố", Việt Anh cho hay.
Bên cạnh những người ra hóng gió, đông người nuôi chó cũng tìm đến bãi đất này để cho thú cưng tắm nắng, tận dụng không gian rộng cho con vật chạy nhảy, nô đùa.
Khu vực "cây cô đơn" còn là nơi thu hút đông dân chơi diều nhờ lộng gió, không vướng dây điện hoặc nhà cao tầng. Một số gia đình dẫn theo trẻ em, cho con nhỏ thử trải nghiệm trò chơi dân gian này.
Từ 17h đổ đi, khi nắng dần dịu lại, lượng người đổ về bãi đất đông dần. Nhiều người mang theo máy ảnh, chờ mặt trời lặn để ghi lại khoảnh khắc của những vệt nắng cuối ngày.
Cách "cây cô đơn" không xa, nhiều bạn trẻ chọn các bậc cầu thang dẫn xuống hồ Tây làm nơi dừng chân và ăn uống, tán gẫu, ngắm hoàng hôn.
Nhung và Mai (sinh năm 1999) mua thêm nước uống, đồ ăn vặt trong lúc ngồi ở mạn hồ. "Thời tiết không khiến bọn mình khó chịu lắm bởi trời nắng to mới dễ có hoàng hôn đẹp, cũng không sợ tốn xăng vì lâu rồi mới đi lượn. Nay bọn mình nổi hứng lên hồ Tây, cảm giác giống như ôn lại thời sinh viên khi có nhiều thời gian rảnh, còn giờ hai đứa đều đã đi làm, 2-3 tháng mới ghé qua đây lúc cuối chiều", Mai chia sẻ.