Cây sao đen nghi bị “bức tử” thuộc danh sách gỗ quý Việt Nam
Nguyên nhân 4 cây sao đen chết khô trên phố Lò Đúc (Hà Nội) hiện chưa được làm rõ. Sao đen là loài thực vật thuộc chi Sao, họ Dầu. Ngoài dùng gỗ để sản xuất đồ nội thất, vỏ và nhựa của sao đen có tác dụng quan trọng.
Tâm Anh (TH)
Xem toàn bộ ảnh
Trong những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin 4 cây sao đen trên phố Lò Đúc (Hà Nội) nghi bị "bức tử". Những cây sao đen này có đường kính 80 cm, cao 18m, chết khô, mục ruỗng gốc và đang được lực lượng chức năng phường Phạm Đình Hổ điều tra nguyên nhân.
Sao đen là loài thực vật thuộc chi Sao, họ Dầu, thường sinh trưởng ở vùng Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Là cây gỗ lớn thân thẳng, thuôn dài, cây sao đen cao từ 20 - 30m, tán lá rậm hình chóp, cành nhánh to, dài, mọc thẳng đứng.
Gỗ sao đen hiện được xếp vào nhóm III - nhóm các loại gỗ chất lượng và có giá thành cao. Đặc điểm của cây sao đen là khả năng chống mối mọt, nấm mốc. Do vậy, gỗ sao đen được ứng dụng khá phổ biến trong sản xuất đồ nội thất, gia dụng, làm sàn nhà, tà vẹt, đóng toa xe, thuyền đi biển…
Trong số này, các sản phẩm gỗ sao đen được khách hàng ưa chuộng bao gồm: bàn ghế sao đen, giường sao đen, tủ sao đen….
Một tác dụng khác của cây sao đen là phần vỏ cây có chứa nhiều chất tanin. Đây là chất có khả năng kháng viêm, chống ẩm mốc.
Vậy nên, vỏ cây sao đen được dùng làm thuốc để điều trị: đau răng, viêm lợi, áp xe, làm răng bền….
Tiếp đến, nhựa cây sao đen không chỉ được dùng làm vecni trong công nghệ sơn mà còn dùng làm thuốc cầm máu.
Cuối cùng, cây sao đen được người dân ở nhiều tỉnh thành ở Việt Nam trồng như một loại cây cảnh, cây bóng mát trên các đường phố, công trình công cộng.
Mời độc giả xem video: Chặt phá gỗ lim rừng ở huyện Tam Đảo. Nguồn: Tin Tức VTV24.