Chấn động: Hà Nội có nhiều tâm chấn động đất
(Kiến Thức) - Hiện, trên đất Hà Nội và vùng phụ cận có hàng chục tâm chấn động đất. Cường độ và thời điểm động đất thì không thể đoán trước được.
Chuyên mục Cafe đầu tuần của Kiến Thức có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Huy Y, Nguyên GĐ Liên hiệp Khoa học địa chất và du lịch, thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam liên quan 3 trận động đất với cường độ 4,3 độ, 3,5 độ và 3,2 độ liên tiếp xảy ra vào tối 19/7 tại Mường La (Sơn La) khiến địa các địa phương khác, trong đó có Hà Nội bị rung chấn, khiến nhiều người hoảng loạn.
|
Tâm chấn động đất ở Sơn La. |
|
Ba trận động đất liên tiếp xảy ra ở Mường La Sơn La. |
- 3 trận động đất với cường độ 4,3 độ, 3,5 độ và 3,2 độ liên tiếp xảy ra vào tối 19/7 tại Mường La (Sơn La), Tiến sĩ nhận định thế nào về nguyên nhân?
Theo phân tích tài liệu địa vật lý hàng không do Liên đoàn Vật lý - Địa chất thuộc Tổng cục Địa chất bay đo vào những năm 1970 của thế kỷ trước, vùng Tây Bắc có nhiều dị thường từ hàng không. Các dị thường từ này do các khối xâm nhập nông á núi lửa thành phần bazơ gây nên. Các dị thường này cũng phản ánh các chấn tâm động đất với cường độ khác nhau. Các trận động đất xảy ra ở Sơn La, cũng như ở Điện Biên mấy ngày trước đó là do sự tái hoạt động của các khối xâm nhập nông á núi lửa thành phần bazơ có tuổi rất trẻ. Trong trường hợp này, không thể nghĩ cho nguyên nhân tích nước gây động đất kích thích hoặc truyền từ nước ngoài về.
- Nên hiểu thế nào khi mấy trận động đất vừa qua đều nằm trùng phương Bắc - Nam, phương của đứt gẫy hướng kinh tuyến, với đập thủy điện Sơn La?
Hơn 10 năm trước, tôi cũng đã cảnh báo là có 1 nút giao điểm của 4 đứt gẫy nằm ngay đầu Bắc của đập thủy điện Sơn La. Thường những nút kiến tạo này trùng với một họng núi lửa cổ và nay là cột hang động karst rất nguy hiểm.
Bằng nhiều năm công tác và nhiều tỷ chi phí để đạt được khả năng xác định các đứt gẫy bằng phương pháp liên kết các dấu hiệu địa hình theo một quy luật nhất định, kết quả thu được với sai số không đáng kể. Cụ thể, có 4 hệ thống đứt gẫy cắt qua khu vực đập thuỷ điện Pa Vinh. Các đứt gẫy này có phương chạy Tây Bắc - Đông Nam, Bắc - Nam, Đông Bắc - Tây Nam và cả á vĩ tuyến như hình vẽ, hướng cắm thẳng đứng và độ sâu cắm hàng km, chiều rộng đới phá huỷ chưa xác định được.
- Tiến sĩ có thể nói rõ hơn về các đứt gẫy và hướng giải quyết?
Ở đầu phía Bắc đập thuỷ điện có một nút kiến tạo của giao điểm của 4 đứt gẫy, nên kiểm tra sự có mặt của chúng để xử lý cho tốt. Bởi, vì trên bề mặt của các giao điểm này thường bị laterit hoá rất rắn chắc, nhưng chỉ qua mực nước tĩnh (cỡ 5 - 10 m) là gặp nham thạch gồm dăm, cuội, cát, sét-kaolin chứa nhiều nước ngầm do phong hoá tại chỗ từ dăm cuội dung nham núi lửa mà có, chiều sâu phân bố hàng km.
Có 7 đứt gẫy kiến tạo hướng á vĩ tuyến chạy dưới lòng sông và 2 bên bờ sông Đà. Các đứt gẫy này có hướng cắm thẳng đứng, chiều rộng đới phá huỷ chưa xác định được. Do cắm thẳng đứng và đới phá huỷ không rộng nên công tác khoan thăm dò chưa chắc đã phát hiện được. Cần xác định chính xác vị trí để thăm dò và gia cố tốt nơi này. Bởi vì đới dập vỡ của đứt gẫy bao gồm nham thạch bị vò ép, vụn nát, dẫn nước ngầm, dễ xập lở và phân bố xuống sâu hàng km. Liên hiệp Khoa học địa chất và du lịch có thể xác định ở ngoài thực địa vị trí các nút giao nhau của 4 đứt gẫy, các đứt gẫy và số đứt gẫy hướng á vĩ tuyến cắt qua thân đập, nếu nhà nước yêu cầu.
|
Tiến sĩ Lê Huy Y. |
- Tại sao động đất ở Sơn La mà Hà Nội có rung chấn, thưa Tiến sĩ?
Hiện tượng động đất nhẹ mà trên các nhà cao tầng ở Hà Nội mới cảm nhận được cũng xảy ra tại chỗ với các chấn tâm động đất ở Hà Nội. Nhưng có lẽ do cường độ yếu, chấn tâm ở sâu nên các máy theo dõi động đất không phát hiện được hoặc phản ánh không chính xác. Do sóng địa chấn tắt rất nhanh theo khoảng cách nên không thể nói động đất ở Sơn La với 4,3 độ Richte dư chấn về đến Hà Nội, cách gần 200 km.
- Hà Nội có tâm chấn động đất?
Hiện, trên đất Hà Nội và vùng phụ cận có hàng chục tâm chấn động đất. Ở các huyện Sóc Sơn, Quốc Oai, Chương Mỹ, Sơn Tây, Ba Vì, Hoài Đức, cũng như trên các tỉnh Vĩnh Phú, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... từng xảy ra và có thể còn xảy ra, nhưng cường độ và thời điểm động đất thì không thể đoán trước được. Cũng không nên dự báo là động đất sẽ yếu dần!
Xin cám ơn Tiến sĩ Lê Huy Y về cuộc trao đổi này!