Thông báo truy tìm đối tượng của Công an tỉnh Long An. |
Trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, Có thể thấy vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản này có nhiều điểm tương đồng với vụ án lừa đảo tại Công ty địa ốc Alibaba.
Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng thị trường bất động sản đang sôi động, chúng vẽ ra những dự án bất động sản không có thật, cam kết lãi suất, lợi nhuận khủng, dễ dàng trong việc thanh lý sản phẩm, đánh vào tâm lý của nhà đầu tư nên rất nhiều người bị sập bẫy lừa đảo thời gian ngắn.
Khi tham gia mua bất động sản dưới các hình thức như “góp vốn” hay “đặt cọc” khi dự án chưa hình thành hay chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định luật thì khách hàng đều dễ dàng sa vào các dự án “ma”. Những người bị sập bẫy bất động sản trong các dự án lừa đảo kiểu này phần lớn là những nhà đầu tư, người dân muốn bỏ tiền ra để mua những dự án nền đất, căn hộ từ khi dự án mới bắt đầu, sau đó tăng giá lên sẽ bán lại kiếm lời.
Do đó, họ không quan tâm nhiều về tính pháp lý của dự án mà thường dựa vào cam kết lợi nhuận của các đối tượng. Số khách hàng còn lại có nhu cầu mua nhà đất để sử dụng không nhiều và thường không hiểu rõ về tình trạng pháp lý của dự án hoặc do thủ đoạn lừa đảo tinh vi của các đối tượng dẫn đến những người này cũng bị lừa mất tiền.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội. |
Theo Điều 69 Luật nhà ở 2014 và Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật nhà ở đã quy định rõ trường hợp ký hợp đồng huy động vốn thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thì phải đáp ứng các hình thức, điều kiện theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định này.
Đồng thời, bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết quy định tại điểm này chỉ được phân chia lợi nhuận (bằng tiền hoặc cổ phiếu) trên cơ sở tỷ lệ vốn góp theo thỏa thuận trong hợp đồng; chủ đầu tư không được áp dụng hình thức huy động vốn quy định tại điểm này hoặc các hình thức huy động vốn khác để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn.
Do đó, việc ký kết các hợp đồng góp vốn, đặt cọc nhằm phân chia đất nền hoặc quyền sở hữu nhà ở hình thành trong tương lai đều là trái quy định pháp luật. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết về quy định pháp luật này, các đối tượng thường làm giả giấy tờ pháp lý về dự án, đưa thông tin gian dối không đúng sự thật, ký kết các hợp đồng góp vốn trái pháp luật nhằm chiếm đoạt số tiền của khách hàng.
Nếu có đầy đủ căn cứ xác định các đối tượng có hành vi chiếm đoạt số tiền 60 tỷ của khách hàng thông qua hành vi gian dối, ký kết các hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trả góp, góp vốn đầu tư… , thì các đối tượng này sẽ bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, với mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Đồng thời các đối tượng lừa đảo còn phải khắc phục hậu quả, trả cho các bi hại số tiền chiếm đoạt.
Ngoài ra, CQĐT cũng cần điều tra làm rõ có hay không các hành vi khác có liên quan như: Rửa tiền, chứa chấp tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, làm giả tài liệu con dấu,… để xử lý theo quy định pháp luật.
Nguồn: VTV 24.