Tạp chí Fortune vừa công bố Danh sách Nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2024, bao gồm 100 nhà lãnh đạo nữ đến từ 11 quốc gia: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Australia.
Trong đó, Việt Nam ghi nhận ba người phụ nữ quyền lực là bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch HĐQT Vietjet, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng Giám đốc Sacombank và bà Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc Vinamilk, lần lượt đứng vị trí thứ 66, 71 và 75 trong bảng xếp hạng.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Vietjet
|
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh ngày 7 tháng 6 năm 1970 tại Hà Nội, được biết đến là nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam, theo tạp chí Forbes công bố năm 2017.
Bà Thảo có trình độ học vấn là Tiến sỹ Điều khiển học kinh tế; Cao đẳng Kinh tế lao động – Cao đẳng Kinh tế Quốc dân Matxcova; Cử nhân Tài chính Tín dụng – Học viện Thương mại Matxcova – Nga.
Nữ doanh nhân gốc Hà Nội được biết đến là Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Vietjet Air - hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Đây cũng là lĩnh vực đưa bà trở thành một trong những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt. Bà được công nhận là: “Người làm nên cuộc cách mạng hàng không Việt Nam với mục tiêu ai cũng có thể bay”.
Hiện tại, dưới sự dẫn dắt của bà Thảo trong hơn một thập kỉ, Vietjet Air đã trở thành hãng bay tư nhân có thị phần lớn nhất nhì ngành hàng không với (số liệu mới nhất cho thấy Vietjet Air chiếm 42,8% thị phần, xếp sau là Vietnam Airlines với 42,2%).
Hiện vốn hóa của Vietjet Air đang là 2,29 tỷ USD, trong đó, bà Thảo sở hữu trực tiếp khoảng 47 triệu cổ phiếu, tương đương 8,8% vốn điều lệ vào cuối tháng 6/2024. Tạm tính giá với VJC là 105.600 đồng/cp chốt phiên 9/10, giá trị số cổ phiếu VJC của bà Thảo nắm giữ hơn 4.900 tỷ đồng.
Ngoài hàng không, bà Thảo còn điều hành trong mảng ngân hàng thông qua HDBank. Đồng thời bà còn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và khu nghỉ dưỡng và nhiều ngành nghề khác thông qua Tập đoàn Sovico.
Theo số liệu cập nhật đến ngày 9/10, quy mô tài sản ròng của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đạt 2,9 tỷ USD.
Tổng Giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm. |
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Ngân hàng Sacombank. Bà Thạch Diễm đã gia nhập ngân hàng này từ năm 2002.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm là Tiến sỹ ngành Tài chính - Ngân hàng. Đồng hành cùng Sacombank hơn 20 năm, bà đã từng đảm nhiệm các công việc thuộc lĩnh vực kế toán, tín dụng, dịch vụ khách hàng, khách hàng doanh nghiệp, kiểm tra kiểm soát nội bộ, xử lý nợ...
Đặc biệt, bà đã có 11 năm ở vai trò quản lý, điều hành tại Phòng giao dịch, Phòng nghiệp vụ Chi nhánh, Văn phòng Khu vực TP HCM, toàn Khu vực Nam Trung bộ & Tây Nguyên và toàn hệ thống Sacombank.
Năm 2017, bà được cử giữ vị trí quyền Tổng Giám đốc trước khi chính thức nhậm chức Tổng Giám đốc vào tháng 7/2017. Đến tháng 8/2018, bà được bầu làm thành viên HĐQT Sacombank. Tháng 4/2022, bà được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực ngân hàng này.
Tại Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm là người khá đặc biệt khi đã trải qua nhiều 'thời' sếp lớn Chủ tịch ngân hàng, từ ông Đặng Văn Thành, ông Trầm Bê và hiện tại là ông Dương Công Minh.
Trải qua nhiều đời chủ tịch và tình hình biến động của Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm vẫn là một trong số ít những người ở lại ngân hàng này lâu năm nhất.
Bà Diễm đã chèo lái Sacombank qua quá trình tái cơ cấu kéo dài 7 năm qua. Đến nay, Sacombank đã đến giai đoạn cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu, trong đó đã hoàn thành trích lập 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục nợ bán VAMC chưa xử lý.
Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên
Bà Mai Kiều Liên. |
Bà Mai Kiều Liên, sinh năm 1953, quê quán tại huyện Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang nhưng sinh ra và lớn lên ở Pháp. Cuộc đời bà gắn liền với sự nghiệp phát triển ngành sữa của Việt Nam.
Sau khi vừa tốt nghiệp Đại học Moscow State chuyên ngành Kỹ sư chế biến thịt và sữa tại Nga, bà Mai Kiều Liên đã gia nhập Công ty sữa và cà phê miền Nam, tiền thân của Vinamilk ngay khi mới thành lập năm 1976. Kể từ năm 1992, bà Liên dẫn dắt Vinamilk ở cương vị Tổng Giám đốc.
Bà Mai Kiều Liên đã tiếp quản và khôi phục thành công 3 nhà máy sản xuất sữa đã bị hư hỏng nhiều sau chiến tranh. Bà góp phần đề ra các quyết sách cho cuộc "cách mạng trắng" để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu chăn nuôi bò sữa trong nước vào những năm 1990.
Trong hơn 15 năm sau đó, Vinamilk đã hình thành nên hệ thống 14 trang trại chuẩn quốc tế trên cả nước, quản lý đàn bò cung cấp sữa hơn 160.000 con, cho sản lượng 1 triệu lít sữa mỗi ngày. Song song đó, Vinamilk cũng đã xây dựng thành công hệ thống 13 nhà máy hiện đại, chuẩn quốc tế tại Việt Nam.
Không chỉ giỏi về điều hành, quản lý, bà Mai Kiều Liên còn được biết đến với tố chất kinh doanh nhạy bén. Bà là người khai sinh ra nhiều dòng sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng của Vinamilk như Dielac, Ngôi sao Phương Nam… Đây cũng là các sản phẩm "Top” của Vinamilk trên thị trường hiện nay và xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới.
Sau 32 năm dưới sự lãnh đạo của bà Liên, Vinamilk hiện nằm trong top 40 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới (về doanh thu) và là thương hiệu sữa lớn thứ 6 toàn cầu về giá trị.
Bà Mai Kiều Liên cũng là nữ doanh nhân hiếm hoi được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều lần được vinh danh trong top nữ doanh nhân quyền lực của Việt Nam và châu Á. Bà cũng là nữ doanh nhân Việt Nam duy nhất được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh Thành tựu trọn đời.