Trong ngày chính hội 13 tháng Giêng (28/2), dòng người từ khắp các nơi đã đổ về chơi hội Lim (Tiên Du, Bắc Ninh). Tuy nhiên, nhiều du khách bức xúc phản ánh tình trạng bị “chặt chém” đến Ban tổ chức.
Dịch vụ trông xe máy với giá từ 10 đến 20 nghìn đồng một xe tùy vị trí. |
“Ngay khi bước chân xuống hội, đoàn chúng tôi đã bị ‘choáng’ khi uống 1 cốc trà mà lấy đến tận 10.000 đồng”, một du khách đến từ Hải Phòng phản ánh trên báo Người Lao Động.
Không chỉ trà đá, rất nhiều các dịch vụ khác như từ ăn uống, trò chơi, trông giữ ô tô, xe máy, bán thuốc chữa bệnh, trò chơi trẻ em,... nhân dịp này cũng tranh thủ đẩy giá lên cao. Những dịch vụ này không mất nhiều chi phí đầu tư nhưng lại thu lời lớn bởi đều đánh vào nhu cầu bắt buộc của người dân khi đến xem hội.
Các trục đường xung quanh lễ hội có hàng trăm gian hàng dịch vụ bủa vây. Giá các loại dịch vụ mỗi nơi một mức giá khác nhau.
Chuyện "hét giá", "chặt chém" dường như đã là thông lệ mỗi dịp Tết đến, xuân về. Ăn theo lễ hội, giá các loại dịch vụ lại được dịp "tát nước theo mưa".
Tại các điểm di tích, đền, chùa như: đền Quán Thánh, đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ,... ở Hà Nội, các điểm trông xe tự phát mọc lên như nấm và vô tư chặt chém khách, với giá cao hơn gấp 3-4 lần so với giá quy định.
Giá các loại dịch vụ như ăn uống tại Hà Nội những ngày đầu xuân cũng tăng chóng mặt. Nhiều khách hàng bức xúc vì giá bún riêu, bún ốc tăng gấp 3-4 lần ngày thường mà chất lượng lại rất tệ. Thậm chí, có quán vỉa hè "chém" 150.000 đồng một bát bún ốc "không vớt được con ốc nào".